Vì thế nhiều cha mẹ chỉ tập trung phát triển não trái cho con mà bỏ quên vai trò của não phải. Trong khi đó, điều bất ngờ là sự sáng tạo và trực giác của con người mới chính là cội nguồn của những thành tựu to lớn ấy, giúp tạo nên sự khác biệt và đột phá.
Tại sao phải phát triển não phải cho trẻ?
Mỗi người sinh ra đều có khả năng sáng tạo nhưng giáo dục trong các trường học (giáo dục não trái) vô tình lấy mất điều đó. Chúng ta phải tuân theo những khuôn phép và quên đi sự sáng tạo cần thiết. Có thể hiểu nôm na rằng não phải thiên về tư duy trừu tượng, kiểm soát cảm xúc và trực giác trong khi não trái lại thiên về tư duy logic, ngôn ngữ. Não con người phát triển từ phải sang trái. Mỗi trẻ từ lúc trong bào thai đến khi 6 tuổi đa phần đều có não phải phát triển vượt trội hơn não trái. Trẻ sẽ học nói, hát, cử chỉ, thể hiện cảm xúc theo bản năng mà không bị giới hạn.
Việc phát triển não phải cho trẻ không phải chỉ phát triển về cảm xúc, về sự sáng tạo mà những kết quả đó sẽ giúp ích rất nhiều cho sự phát triển toàn não bộ. Bởi khi được giáo dục đúng cách, não phải phát triển sẽ tạo sự liên kết với não trái, giúp cho những kiến thức sau này khi trẻ tiếp nhận sẽ được xử lý ở cả hai bán cầu não.
Giáo sư Cranford, người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc phát triển não phải khẳng định, đào tạo phát triển não phải và khả năng sáng tạo bao hàm những hiểu biết cơ bản phân loại và tổ chức kiến thức thông qua các bài học lấy cảm hứng từ việc chơi đùa. Não phải là bán cầu não quan trọng bởi nó ảnh hưởng tới chất lượng của não trái. Ví dụ: Não phải cho phép đứa trẻ học bằng tiềm thức, cho phép não bé có thể xử lý một cách tự động một khối lượng thông tin lớn với tốc độ cao, trong khi não trái chỉ có thể xử lý một khối lượng thông tin nhỏ với tốc độ thấp.
Các nghiên cứu về não bộ đã chỉ ra rằng, chỉ có 5% năng lực của bộ não được sử dụng tư duy não trái trong khi 95% năng lực tư duy của não phải bị quên lãng. Công việc của những người làm cha mẹ là đánh thức những khả năng tiềm ẩn của con và giúp cho con có những bước phát triển đầu đời vững chắc cho tương lai.
Giáo dục não phải đúng thời điểm, đúng cách.
Nhiều người cho rằng, nếu phát triển não phải cho trẻ quá sớm và quá nhiều sẽ khiến cho việc phát triển tư duy logic (não trái) bị hạn chế. Đây là quan niệm sai lầm bởi não phải của trẻ chỉ phát triển ở 6 năm đầu đời (có trẻ có thể đến 9 tuổi). Trong khi đó phát triển não trái còn cả một quá trình lâu dài. Vì vậy, nếu bỏ qua giai đoạn này, khi não phải của trẻ đóng lại thì việc giáo dục sẽ rất khó khăn và hiệu quả không cao. Bên cạnh đó, những năm đầu đời là giai đoạn bé đam mê và có khả năng tự học hỏi cao nhất. Khi việc học được lồng vào việc chơi và không có một áp lực nào sẽ khiến bé thích thú. Từ đó, con đường học tập về sau của con sẽ là sự khám phá tri thức đầy vui vẻ.
Giáo dục não phải cho trẻ có thể được thực hiện bằng nhiều cách. Các bà mẹ có thể cho con nghe nhạc, đọc sách, kể chuyện cho con hằng ngày ngay từ khi mang thai và duy trì việc đó suốt tuổi thơ của con. Những lớp học hội họa, đàn hát hay khiêu vũ sẽ giúp trẻ phát triển khả năng sáng tạo, tư duy không giới hạn của mình. Hãy tập cho trẻ nhận thức và phản xạ bằng hình ảnh, đồng thời cung cấp càng nhiều thông tin càng tốt. Trẻ sẽ không thể nhớ ngay lập tức nhưng vì đây là khoản thời gian não phải mở, tiếp nhận và thẩm thấu cao nên toàn bộ thông tin đó sẽ được xếp vào não, tạo nên một thư viện kiến thức khổng lồ mà con sẽ sử dụng trong từng giai đoạn cuộc đời sau này.
Giáo dục não phải có thể đưa ra những kết quả tức thời mà các bậc phụ huynh có thể theo dõi như trẻ có thể đọc và nói từ khá sớm cũng như khả năng tư duy vượt trội so với trẻ cùng trang lứa. Tuy nhiên, để có một kết quả to lớn thực sự thì đòi hỏi chúng ta phải có kiến thức, đầu tư thời gian, công sức, tiền bạc và đặc biệt là tình yêu vô bờ bến cho con.
Giáo dục và phát triển não phải là dành cho con món quà vô giá để bé sử dụng trong suốt cả cuộc đời. Chọn đúng thời điểm và dạy con đúng cách để con của bạn trở thành em bé thông minh, sáng tạo và có cuộc sống hạnh phúc trong tương lai.
Thùy Trang - Lao Động
No comments:
Write comments