Contact

nvt@ngovantrong.com

Hạnh phúc là hành trình, không phải là điểm đến

9/24/2016

HƯỚNG DẪN XÂY DỰNG TỦ SÁCH PHỤ HUYNH CHO CÁC TRƯỜNG HỌC

A. Cách vận động các nguồn lực xã hội hóa:


1. Các tổ chức, doanh nghiệp, mạnh thường quân trên địa bàn:

Đây là kênh kêu gọi truyền thống của các trường thường dùng khi cần đầu tư xây dựng các công trình, mua sắm trang thiết bị và tổ chức các sự kiện. Vậy nên, chúng tôi nghĩ là không cần phải hướng dẫn nhiều về vấn đề này. Điểm thuận lợi hơn ở chỗ là việc đóng góp mua sách cho học sinh, vừa nhẹ nhàng hơn so với các công trình kia, vừa có con em họ được hưởng lợi trong đó nên khả năng sẽ dễ dàng nhận được sự đồng thuận hơn.

2. Các cựu học sinh ở quê và xa quê, trong và ngoài nước:

Kênh này nếu khai thác hiệu quả sẽ là một nguồn lực rất to lớn và có ý nghĩa xã hội – nhân văn rất cao.
- Thứ nhất, hầu hết cựu học sinh đều ít nhiều có tình cảm với quê hương, trường cũ. Điều này là ai cũng dễ dàng nhận ra. Chỉ có điều là chúng ta chưa có những chương trình thật ý nghĩa để chuyển hóa những tình cảm đó thành hành động thiết thực phục vụ quê hương, trường cũ.
- Thứ hai, việc đóng góp với định mức lớn (vài triệu đến vài chục triệu) thì ít người có thể làm được, nhưng vài trăm ngàn tương đương một bữa nhậu đơn giản thì rất nhiều người có thể làm được. Trong một lớp học luôn có ít nhất 10% học sinh tích cực nổi trội, chỉ cần 4-5 cựu học sinh đó ngồi lại với nhau, mỗi người 200 – 250.000đ, chúng ta có ngay một tủ sách cho lớp học cũ.
Để khai thác được 2 nguồn lực này, nhà trường cần có 01 Ban vận động, tìm mọi cách để liên lạc với các cựu học sinh thông qua gia đình của họ, qua mạng xã hội, qua các mối quan hệ dây chuyền. Thời nay, vấn đề này không phải quá khó.

3. Hội cha mẹ học sinh.

Dù làm tốt việc vận động từ các nguồn trên, nhưng nếu phụ huynh không thật hiểu và cùng phối hợp thì hiệu quả đưa lại vẫn không thể cao được. Có thể nhận thức của một bộ phận phụ huynh về vấn đề đọc sách của con cần một quá trình tác động để có thể tạo ra sự thay đổi; nhưng việc góp 30-50.000đ để con em mình được đọc 35-65 đầu sách hay là điều họ có thể làm ngay. Bằng chứng là hàng ngàn nông dân Thái Bình và Nam Định đã vui vẻ đóng 50.000đ để đóng tủ, mua sách cho lớp học của con mình. Vấn đề là thông điệp mà các thầy cô truyền tải tới các bậc cha mẹ phải chân thành, giản dị để họ có thể cảm nhận được tấm lòng vì học sinh của các thầy cô và hiểu được phần nào vai trò trực tiếp, quyết định của họ trong việc hình thành thói quen đọc sách và định hình nhân cách của con. Lưu ý, không được để phụ huynh hiểu nhầm là thêm một khoản đóng góp như bao khoản khác, không nên tạo thêm áp lực nào lên đôi vai vốn đã trĩu nặng của họ.

4. Học sinh:

Đây là một kênh góp sách rất hay và nhân văn. Hiệu trưởng và GV chủ nhiệm kêu gọi các HS góp những cuốn sách hay mình có ở nhà mang lên bổ sung vào tủ sách lớp học, chia sẻ cho các bạn khác cùng đọc, cùng học. GV nên có những hình thức tuyên dương, khen ngợi đối với những HS chia sẻ nhiều sách để làm gương cho bạn bè. Điều này có 3 cái lợi lớn:
- Giúp khai thác được một số lượng lớn sách còn “nằm im”, ít sử dụng trong các tủ sách gia đình, thường chỉ một vài thành viên trong gia đình sử dụng, đọc một vài lần rồi cất.
- Giúp xóa dần khoảng cách về điều kiện tiếp cận tri thức giữa HS các gia đình trí thức (nhiều sách hơn) với HS các gia đình nông dân (ít sách hơn). Các em HS có hoàn cảnh khó khăn vẫn có thể được đọc nhiều sách nhờ các bạn chia sẻ.
- Hình thành văn hóa chia sẻ, tình thương thân tương ái và đoàn kết giữa các thành viên trong lớp. Điều này phải nhờ tới vai trò trung tâm đoàn kết của GV chủ nhiệm, đồng thời chính họ cũng là người hưởng lợi từ ý thức tự giác, nề nếp, phong trào của lớp ngày một đi lên.

B. Cách quản lý hoạt động tủ sách:

1. Ba cuốn sổ ghi chép:

Khi đã có tủ sách, GV chủ nhiệm cùng Ban cán sự lớp cần chuẩn bị 03 cuốn sổ ghi chép rất quan trọng sau:
- Sổ ghi danh mục sách: Cuốn này dùng để ghi tên và mã số của tất cả sách có trong tủ sách của lớp. GV chủ nhiệm hướng dẫn các em HS đánh mã số và dán vào bìa các cuốn sách để tiện cho việc quản lý. Hàng năm, những cuốn sách được bổ sung thêm sẽ được ghi vào sổ danh mục. Cuốn này chỉ cần mỏng độ 10-20 trang là đủ.
- Sổ ghi chép mượn – trả: Cuốn này được chia làm nhiều phần, dành 2-4 trang cho mỗi em HS. Tại đó sẽ chia làm các cột: STT, TÊN SÁCH, MÃ SỐ, NGÀY MƯỢN, NGÀY TRẢ, KÝ TÊN. Sau mỗi học kỳ, dựa vào cuốn sổ này, nhà trường và phụ huynh sẽ dễ dàng đo lường HS đã đọc được bao nhiêu cuốn sách, mỗi em thích đọc những loại sách nào (có em thích đọc sách khoa học, có em thích đọc sách tiếng anh, văn học, lịch sử, danh nhân, hay kỹ năng sống) để có hướng giúp đỡ và phát huy khả năng riêng của mỗi em.
- Sổ ghi cảm nhận, bài học: Trong cuốn sổ này, các em HS sẽ lần lượt ghi lại những bài cảm nhận về những cuốn sách mình đã đọc. Đó có thể là bài cảm nhận chung, cũng có thể là những bài học nhỏ mà các em tâm đắc từ một danh nhân, một nhân vật, một câu chuyện, cách sáng chế một cỗ máy ra sao,… Bài cảm nhận có thể dài ngắn tùy ý, quan trọng là GV khuyến khích các em phát biểu được một cách chân thật, rõ ràng, sáng sủa những gì mình nghĩ trong đầu, những cảm nhận trong trái tim các em. Đây là một cuốn sổ rất giàu giá trị cho cả giáo viên, phụ huynh và chính các em. GV và PH có thể bất ngờ về HS/con mình qua những chia sẻ trong đó, nhờ đó hiểu hơn về tâm tư, tình cảm, thiên hướng của mỗi em. Còn các em HS nhờ việc viết cảm nhận thường xuyên mà khắc sâu kiến thức, trau dồi khả năng diễn đạt, tư duy rõ ràng, sáng sủa, làm giàu thêm vốn từ cho mình.
Hàng tuần GV chủ nhiệm chọn từ sổ cảm nhận những bài viết hay, có giá trị để giới thiệu trước lớp, trường và có hình thức khen thưởng bằng những món quà nhỏ để động viên các em.

2. Nội quy tủ sách:

- Tủ sách là tài sản chung, là “mâm cơm tập thể” của các thành viên trong lớp. Mỗi em phải có ý thức bảo vệ và gìn giữ từng cuốn sách trong đó.
- Tất cả sách có trong tủ cần được bọc bìa nilon (có bán sẵn) để duy trì độ bền và thời gian sử dụng được lâu hơn (có thể dùng quỹ lớp để thực hiện việc này).
- Mỗi lượt, mỗi em chỉ được mượn 01 cuốn, thời gian không quá 01 tuần.
- Khi mượn sách về nhà, các em phải bảo quản cẩn thận, không để hư hỏng, rách nát, không ghi chép, vẽ vời trong sách.
- Nếu vi phạm các lỗi trên, HS đó sẽ phải góp thêm 01 cuốn sách vào tủ sách của lớp. Còn nếu làm mất sách, chỉ cần góp 02 cuốn là xong.
- Bạn nào đọc nhiều sách nhất lớp mỗi tuần (hoặc tháng) được thưởng một món quà nhỏ (bút, kẹp tóc, tập vở,…).
- Sau mỗi học kỳ, các lớp đổi tủ sách cho nhau (nếu các tủ có danh mục sách khác nhau) để các em được đọc nhiều sách hơn.
- Tủ sách phải được lau chùi, vệ sinh sạch sẽ thường xuyên, nên trang trí thêm các lọ hoa nhựa, giấy, cắt dán sao cho bắt mắt, gợi hứng thú đọc sách của các em.
- Trên tủ sách nên dán một câu trích dẫn, danh ngôn hay về ý nghĩa của sách và việc đọc sách để thôi thúc các em đọc sách mỗi ngày.
- Tủ sách nên được đặt ở phía trước mặt các em, gần cửa ra vào để tạo tần suất tiếp xúc giữa mắt các em – sách ở mức cao nhất. (Điều này rất quan trọng, vì nhiều em vốn chưa có thói quen đọc sách, chúng ta cần tạo ra sự kích thích thường xuyên, liên tục mỗi ngày để hình ảnh những cuốn sách dần dần đi vào tâm thức các em một cách tự nhiên. Đây là điều chúng ta cần đặc biệt lưu ý, hiệu quả sẽ kém hơn nếu để tủ sách ở phía sau lớp hoặc hai bên).
- Sau khi kết thúc năm học, các anh chị sẽ bàn giao lại tủ sách cho lớp đàn em; đồng thời tiếp nhận tủ sách của anh chị lớp trên. Đây là một sự chia sẻ, một sự chuyển giao và kế thừa tri thức giữa các lớp học sinh, giúp các em dần hình thành văn hóa chia sẻ, tương thân tương ái.

C. Các giải pháp khuyến đọc:

- Trước tiên, chúng ta cần có sự thỏa thuận và thống nhất giữa các thầy cô và cha mẹ học sinh về thời gian đọc sách mỗi ngày của con trẻ. Tốt nhất, trong thời gian biểu của các em nên có khoảng 30 phút mỗi ngày dành cho việc đọc sách. Hàng ngày, nếu có thể các bậc phụ huynh nên dành thời gian đọc sách cùng con (nhất là cấp tiểu học), hoặc chí ít cũng phải quan tâm tới con bằng việc hỏi: Hôm nay con đọc được cuốn sách nào? Con thấy có điều gì thú vị trong cuốn sách vừa đọc? Làm ơn đừng tạo thêm áp lực cho con với những câu hỏi đại loại như: Hôm nay con được bao nhiêu điểm? Con có bị cô nhắc nhở gì không? Việc quan tâm và duy trì thói quen đọc sách mỗi ngày đều đặn như vậy sẽ đưa lại những đổi thay rất lớn cho hiện tại cũng như tương lai của các em.
- Duy trì việc viết cảm nhận sau khi đọc một cuốn sách của mỗi em. (xem phần Sổ ghi cảm nhận ở trên).
- Mỗi tuần cần bố trí 01 tiết đọc sách. 2/3 thời gian đầu cho các em đọc tự chọn. 1/3 thời gian còn lại, mời 01 em lên trình bày cảm nhận và giới thiệu cuốn sách mà mình đã đọc trong tuần qua.
- Vào tiết chào cờ đầu tuần, nhà trường cần dành khoảng 10 phút cho 01 em học sinh đại diện 01 lớp luân phiên lên giới thiệu 01 cuốn sách hay mà mình đã đọc trong tủ sách lớp mình. Nhân viên thủ thư không nên làm thay các em việc này như trước đây nữa.
- Tùy vào tâm huyết và sự sáng tạo của giáo viên chủ nhiệm, GV bộ môn có thể tạo ra các trò chơi đố vui, các hình thức diễn xướng (nếu có thể) để kích thích sự quan sát, liên tưởng, tìm tòi, sáng tạo nơi các em; đồng thời gia tăng sự tương tác giữa học sinh – học sinh, học sinh – thầy cô, học sinh – phụ huynh, từng bước hình thành văn hóa đọc cộng đồng.
- Sau này, khi văn hóa đọc đã được nhen nhóm, các nhóm làm tủ sách có thể mời các chuyên gia, nhà văn, nhà thơ về giao lưu, nói chuyện với học sinh và thầy cô ở các trường để giúp các em mở rộng vốn hiểu biết, năng lực hỏi-đáp, đối thoại, tư duy về các vấn đề xung quanh cuộc sống của mình.
- Đặc biệt, đề nghị các giáo viên phải đi tiên phong, gương mẫu trong việc đọc sách và mượn sách từ tủ sách để học sinh noi theo; đồng thời trong các bài giảng luôn kích thích học sinh tìm kiếm thêm tri thức từ sách, gia tăng kết nối và tích hợp tri thức giữa các môn học, giữa sách với thực tiễn.
Nói tóm lại, tủ sách là của các em, do các em trực tiếp quản lý và toàn quyền sử dụng. Các giáo viên và phụ huynh chỉ cần quan tâm, khích lệ và hướng dẫn các em trong quá trình sử dụng để các em phát huy năng lực của chính mình.

(Phóng sự của Nhan Dan TV về chương trình và người khởi xướng)

Trên đây là một vài hướng dẫn của Ban quản lý dự án, rất mong các thầy cô phát huy khả năng sáng tạo để chúng ta có thêm những cách làm hay giúp cho các em học sinh, đồng thời cũng là tự giúp chính mình.
Nguồn: FB Phu Sách
Ảnh: infonet
Video: Nhan Dan TV


Tải về các file tham khảo:
  • Hướng dẫn xây dựng tủ sách phụ huynh học sinh (PDF file)
  • Kinh nghiệm triển khai tủ sách phụ huynh tại trường THCS Thái Liên - Thái Thụy - Thái Binh (PDF file)
  • Bộ tài liệu quản lý tủ sách phụ huynh học sinh tại trường Tiểu học An Dục - Thái Bình (Files)
  • Danh mục tủ sách Cấp tiểu học (PDF files)

No comments:
Write comments

Connect me on twitter. You'll get more udpates - https://twitter.com/ngovantrong
Join Our Newsletter