Contact

nvt@ngovantrong.com

Hạnh phúc là hành trình, không phải là điểm đến

1/13/2020

Niềm tin sẽ quyết định chúng ta là ai

Thay đổi Niềm tin

Hẳn em cũng đã biết con người em của ngày hôm nay dựa trên những niềm tin về cuộc sống, về những giá trị mà em theo đuổi, về những quy luật mà em tuân thủ. Niềm tin là các suy nghĩ, ý tưởng mà em ủng hộ, dù em có ý thức hay không có ý thức về những niềm tin này. Thực chất niềm tin là những giả định hay thái độ mà em tự xây dựng cho chính mình dựa vào những bài học thành công hay vấp ngã mà em đã trải qua trong cuộc sống. Em hẳn cũng đã chứng kiến, những người khác có những niềm tin khác với những điều em đang có, đơn giản vì họ có những trải nghiệm, bài học khác em. Niềm tin không hẳn là một giá trị tuyệt đối vững bền, rất nhiều niềm tin không những không giúp gì cho em tiến bộ, lại còn có thể ngăn cản em trở thành con người mà em mơ ước.

A
Hãy cùng xem xét niềm tin được xây dựng trong em như thế nào? Các ví dụ anh đưa là các niềm tin giới hạn (limiting beliefs) mà chúng ta cần loại bỏ để mình vươn lên.

1. Truyền thống

Dĩ nhiên chúng ta có thể thấy nhiều niềm tin được xây dựng từ trong gia đình (phần lớn là từ cha mẹ, ông bà, anh chị) hay từ các chuẩn mực mà xã hội tin theo. Rất nhiều điều chúng ta nói theo những gì cha mẹ chúng ta đã nói từ khi chúng ta còn rất nhỏ. Rất nhiều định kiến (xã hội hay gia đình) được xây dựng trong chúng ta từ đời này sang đời khác theo kiểu này.
Ví dụ: Người ở vùng AA là theo kiểu BB - thường BB là 1 điều tiêu cực. Đây là một niềm tin anh hay gọi là đóng khung, vì người ở vùng AA đó cũng giống hệt như các vùng khác, có người tốt, có người xấu, có người giỏi vượt trội, có người kém cỏi. Với một suy nghĩ đóng khung giới hạn như vậy, chúng ta sẽ có 1 niềm tin giới hạn về người ở vùng AA đó, thay vì chúng ta kết bạn một cách tỉnh táo và xét đoán con người theo từng cá nhân cụ thể, thời điểm cụ thể vì con người cũng có thay đổi theo thời gian mà.

2. Quyền lực

Những niềm tin ban đầu thường được xây dựng từ những người có quyền lực hoặc có uy tín cao ảnh hưởng đến cuộc sống của em ngoại trừ cha mẹ, gia đình:thầy cô giáo, nhà trường, đạo giáo em đang theo, chính quyền...
Ví dụ: Thầy cô có thể làm cho em tin là bằng cấp và điểm số có giá trị tuyệt đối cao, nếu không đạt điểm số hay bằng cấp tốt, cuộc đời chúng ta có thể sẽ "đổ vỡ nghiêm trọng". Trong thực tế, em và anh có thể lập ra một danh sách hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người không có điểm số tốt thời đi học, hay không có bằng cấp gì, nhưng họ rất thành công trong cuộc sống của mình.

3. Cộng đồng

Chúng ta cũng gắn vào mình niềm tin của những cộng đồng mà chúng ta tham gia. Đặc biệt trong thời gian dậy thì, chúng ta thường tiếp nhận các niềm tin mới từ bạn bè để tạo cho mình một tính cách riêng. Rất nhiều niềm tin mới này có thể đụng độ với những điều em có trong mình từ trước và có thể đụng độ với cả những niềm tin của gia đình và xã hội và gây xung đột. Chính vì vậy, việc chọn nhóm bạn để chơi rất quan trọng. Có nhiều người tin rằng, chúng ta chính là trung bình của 5 người mà chúng ta thường xuyên gặp gỡ nhất.
Ví dụ: Rất nhiều bạn trẻ cho rằng, việc hút thuốc, xăm mình là rất "ngầu, ngon lành". Thực tế rất nhiều quyết định của tuổi teen là do ảnh hưởng từ những người trong nhóm của mình. Họ hút thuốc thì rất dễ chúng ta cũng hút thuốc.

4. Bằng chứng

Khi lớn lên, chúng ta xây dựng cách suy nghĩ lý trí để hiểu được quy luật nhân quả và phân tích mọi việc với logic. Bằng cách này có rất nhiều niềm tin mới được xây dựng dựa trên những gì chúng ta trải nghiệm và rút ra bài học. Các niềm tin kiểu này rất mạnh, đặc biệt là khi chúng ta không đạt được điều chúng ta mong muốn (outcome) dù đã thử làm nhiều lần. Lúc đó chúng ta rất dễ kết luận là chúng ta không có khả năng (1 niềm tin giới hạn) - hay còn gọi là learned helplessness - tạm dịch (dù chưa ưng) là "bất lực học được". Hay em tin là dù em cố gắng cỡ nào đi nữa, kết quả cũng không được như ý.
Ví dụ:
Sau khi tham gia rất nhiều các khóa học ngoại ngữ, em vẫn không học được ngôn ngữ đó như ý muốn, em có thể tin là em không có "tài năng về ngoại ngữ".

5. Cảm nhận

Có những người cảm nhận thông tin theo những nguồn, kênh ít người cảm nhận được - hay còn gọi là giác quan thứ 6. Khi em cảm nhận điều gì đó sẽ xảy ra, thực tế em đang xây dựng một niềm tin rằng điều đó sẽ xảy ra dù không dựa theo các logic thông thường.
Ví dụ: Khi em bồn chồn lo lắng điều gì đó không tốt sẽ xảy ra, em tin là "linh cảm" hay giác quan thứ 6 của mình đang nói cho em biết điều xấu sắp tới.

B Những niềm tin giới hạn (Limiting beliefs)

Theo những ví dụ trên, em cũng có thể hình dung được, những niềm tin giới hạn của chúng ta về bản thân mình hay về người khác sẽ ngăn cản chúng ta vươn lên mạnh mẽ hơn, hành động tích cực hơn. Trong NLP, các niềm tin giới hạn được chia làm 3 nhóm: vô vọng (hopelessness), bất lực (helplessness) và vô giá trị (worthlessness).

6. Vô vọng - Mục tiêu không thể thực hiện được dù bất kể hoàn cảnh nào

- Cách này em không làm được.
- Em già rồi, khó học hơn.
- Em không thể thành công được.
- Chắc em cô đơn cả đời.
- Em lúc nào cũng xui xẻo.
- Em không giỏi về...
- Em không đọc nổi sách.
- Em không biết viết.
- Em vô kỷ luật.
- Em làm biếng lắm.
- Người em bự từ bé...

7. Bất lực - Mục tiêu có thể đạt được, nhưng em thì thiếu khả năng thực hiện

- Tại sao điều này luôn xảy ra với em?
- Đây là thế giới của đàn ông, của người có quyền thế, của người giàu...
- Em luôn quen mấy người cà chớn.
- Ai cũng muốn lừa em.
- Em lúc nào cũng hỏng việc.
- Em chẳng bao giờ kết thúc được công việc.
- Tại nền kinh tế...
- Tại nhà nước...
- Tại ông thầy...
- Tại sếp...
- Em không thể giảm cân...

8. Vô giá trị - Em không xứng đáng đạt được mục tiêu vì em không đủ "tốt"

- Em không tự tin.
- Em không có giá trị gì.
- Em không thu hút được ai.
- Em nói không hấp dẫn, mọi người không muốn nghe.

Những câu nói nêu trên không chỉ thể hiện những niềm tin giới hạn trong chúng ta, mà còn là một cách củng cố các niềm tin này tạo nên một vòng xoáy tiêu cực. Em bị dính trong vòng xoáy này thì sẽ rất khó khăn để thoát ra.

Em hãy suy nghĩ về những câu nói mà mình từng nói ra và lên cho mình 1 danh sách 10-20 câu mà mình hay nói nhất thể hiện những niềm tin giới hạn của bản thân.

Bài kế tiếp, anh sẽ viết về cách hay đổi các niềm tin này để tạo dựng thành các niềm tin mới, hành động mới mạnh mẽ hơn.

Trần Xuân Hải

No comments:
Write comments

Connect me on twitter. You'll get more udpates - https://twitter.com/ngovantrong
Join Our Newsletter