Tại sao NLP cần thiết?
Thông qua việc am hiểu NLP, bạn sẽ:
- Học được cách điểu khiển trạng thái cảm xúc của bản thân.
- Phát triển được kỹ năng thuyết phục trong giao tiếp.
- Vượt qua được những trở ngại trong công việc và cuộc sống.
- Giúp được những người xung quanh mình thành công.
- Và làm được nhiều điều thú vị khác trong cuộc sống.
NLP (Lập Trình Ngôn Ngữ Tư Duy) không hề giống với bất cứ phương pháp nào mà bạn từng biết trước đây. Nó nhằm vào việc thay đổi tận gốc của hành vi, tức thay đổi lối tư duy dẫn đến hành vi. Cuộc sống, năng lực cũng như trình độ đều là hệ quả của cách chúng ta suy nghĩ. Việc thay đổi tận gốc vì vậy là điều bắt buộc nếu một người muốn nâng cao bất cứ kỹ năng nào, hoặc thay đổi các thói quen đã bám rễ.
Nếu một thiên tài, một chuyên gia, một người thành công,… đã làm được điều này hay điều kia, thì bạn cũng có thể nhanh chóng học được cách làm của họ thông qua việc khám phá những chương trình cài đặt trong bộ não của họ rồi lập trình não bộ của mình theo cùng cách ấy. NLP (Lập Trình Ngôn Ngữ Tư Duy) sẽ giúp bạn làm được điều đó, trong nhiều trường hợp là khá dễ dàng.
Khởi Nguồn
Vào những năm đầu thập niên 70, trong khi Tom Peters đang nghiên cứu môn sở trường học trong nhiều tổ chức và tìm kiếm những chiến lược thành công, thì nhà ngôn ngữ học, John Grinder, và nhà toán học, Richard Bandler, tìm kiếm những công cụ xuất sắc trong việc phát triển tiềm năng bản thân.
Grinder and Bandler đặt ra câu hỏi: “Sự khác biệt giữa một người tương đối thành thạo và một người thật sự vượt trội trong cùng một lĩnh vực là gì?” Câu trả lời không gì khác hơn chính là NLP (Lập Trình Ngôn Ngữ Tư Duy) còn được mệnh danh là “khoa học của sự xuất chúng” hay “khoa học của sự thay đổi”.
John Grinder và Richard Bandler – hai giáo sư đại học Santa Cruz (Mỹ) – được xem là những người sáng lập ra NLP (Lập Trình Ngôn Ngữ Tư Duy)để cải thiện kỹ năng con người thông qua việc tạo ra những mô thức hành động tốt hơn.
NLP là viết tắt của Neuro-Linguistic Programming (Lập Trình Ngôn Ngữ Tư Duy). Nó chứa đựng ba thành tố có ảnh hưởng lớn nhất đến việc hình thành những kinh nghiệm cá nhân của mỗi chúng ta: thần kinh học, ngôn ngữ học, và các mô thức được lập trình sẵn.
Chúng ta giao tiếp với thế giới bên ngoài thông qua 5 giác quan: thị giác, thính giác, xúc giác, khứu giác, và vị giác. Chúng ta tiếp nhận những tác nhân kích thích từ bên ngoài, và tái tạo lại chúng bên trong não bộ dưới một hình thức khác. Việc này hình thành bên trong não bộ chúng ta một thế giới thu nhỏ và chủ quan của riêng chúng ta.
Việc tổng hợp tất cả những gì ta thu nhận từ bên ngoài vào não bộ tạo nên những mô thức hành vi và phản ứng trong các hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống, việc này còn được gọi là “lập trình”. Những mô thức (hay gọi một cách đơn giản là thói quen) này sẽ lặp đi lặp lại nếu không có cản trở hay thay đổi gì. Nó giống như máy ghi âm tua lại cùng một nội dung nếu như nó không bao giờ được ghi âm nội dung khác chồng lên. Vấn đề là ở chỗ, những mô thức lặp đi lặp lại này có những cái rất hữu ích nhưng có những cái thì hoàn toàn không (hoặc thậm chí có hại).
Những người sáng lập ra NLP (Lập Trình Ngôn Ngữ Tư Duy) đã nhận ra rằng, mọi người không phản ứng trực tiếp với thế giới chung quanh họ. Trước tiên, họ dùng những gì thu nhận được từ thế giới bên ngoài trong quá trình sống và lớn lên của bản thân để “lập trình” cho bộ não của mình, rồi cứ thế mà hành động và phản ứng (một cách gần như tự động) theo các chương trình đã được cài sẵn đó.
Ví dụ, một người nhiều lần “thử thời vận” phát biểu trước đám đông đều gặp phải những lời chê bai, phản bác: “Vậy mà cũng đòi ăn đòi nói”. Theo phản xạ tự nhiên, anh sẽ vô tình lập trình mình thành “kẻ bất tài trong khâu ăn nói” ngay bên trong tâm trí mình. Từ đó, anh lại càng trở nên căng thẳng và kém cỏi hơn trong việc phát biểu trước đám đông. Đó là vì một chương trình “độc hại” đã vô tình bị cài vào đầu anh ta. Nếu học được cách thay đổi những chương trình cài sẵn đó, anh ta mới thay đổi được, và thậm chí còn vươn lên.
NLP (Lập Trình Ngôn Ngữ Tư Duy) có một số nguyên lý rất hay, hai trong số chúng là:
1. “Nếu bạn tiếp tục làm mọi thứ theo cách bạn luôn làm, thì bạn sẽ mãi chỉ đạt những gì bạn đã có!”
2. “Nếu những gì bạn đang làm không hiệu quả, hãy làm điều gì khác!”
Bạn có thể hỏi “Đúng, nhưng bằng cách nào?”
Không giống với những phương pháp khác bảo bạn cần phải LÀM GÌ, NLP (Lập Trình Ngôn Ngữ Tư Duy) đề cập đến kỹ thuật LÀM NHƯ THẾ NÀO. Nó cho bạn thấy LÀM THẾ NÀO để đạt được điều bạn muốn, và LÀM THẾ NÀO để trở thành người bạn muốn. Vì vậy, bạn có thể có được thành công mà bạn mong muốn trong thời gian ngắn nhất có thể!
Với NLP (Lập Trình Ngôn Ngữ Tư Duy), chúng ta có lựa chọn những gì chúng ta muốn thay đổi, và chúng ta muốn thay đổi nó như thế nào.
Các nhà sáng lập và nghiên cứu NLP (Lập Trình Ngôn Ngữ Tư Duy) tin rằng: nếu con người có thể sử dụng một cách hiệu quả những nguyên lý và kỹ thuật trong NLP, họ có thể đạt được khả năng giao tiếp đầy nghệ thuật, có được một cuộc sống hạnh phúc, giàu có và mãn nguyện hơn. Điều này đã được chứng minh trong cuộc sống qua rất nhiều câu chuyện thành công trong nhiều lĩnh vực.
Hiện nay, nhiều người cho rằng NLP (Lập Trình Ngôn Ngữ Tư Duy) là một trong những cách tiếp cận tốt nhất để đạt được đến nghệ thuật trong giao tiếp, trong phát triển bản thân và trong việc vươn đến những thành công vượt trội.
Nghiên Cứu Khoa Học
Giáo sư Gerald Edelman, người đoạt được giải Nobel, đã trải qua 30 năm nghiên cứu các chức năng hoạt động của bộ não. Ông kết luận rằng hơn 10 tỉ tế bào thần kinh trong chúng ta đã sắp xếp thành từng nhóm và hình thành những bản đồ phản ánh lại kinh nghiệm của chúng ta. Những bản đồ này cho phép chúng ta ý thức về thế giới cũng như về bản thân. Những liên kết giữa các tế bào càng hoạt động thường xuyên sẽ càng phát triển mạnh; những phần còn lại sẽ hao mòn dần.
Một trong những ý tưởng độc đáo nhất của NLP (Lập Trình Ngôn Ngữ Tư Duy) là: Nếu một người nào đó làm được việc gì, thì ta sẽ có khả năng tìm hiểu cách thức họ làm như thế nào và lặp lại nó. Nguyên Lý Mô Phỏng (Principle of Modelling) của NLP (Lập Trình Ngôn Ngữ Tư Duy) là một trong những cách tiếp cận độc nhất vô nhị cho việc phát hiện và bắt chước những kỹ năng tiềm thức của những người kiệt xuất (có năng khiếu bẩm sinh) để dạy lại cho những người khác những kỹ năng mà bình thường rất khó có thể học được.
Vì vậy, NLP (Lập Trình Ngôn Ngữ Tư Duy)nghiên cứu tỉ mỉ về cách mỗi cá nhân hành xử theo thói quen như thế nào. Với NLP, chúng ta có thể học hỏi từ người khác những mô thức nào có ích và phục vụ chúng ta. Sau đó chúng ta có thể luyện tập những mô thức mới cho hành vi của mình (giống như tái lập trình não bộ) nhằm tiến bộ hơn trong những trường hợp mà trước kia chúng ta đã ứng xử không hiệu quả.
Ngôn ngữ trong NLP (Lập Trình Ngôn Ngữ Tư Duy)
Ngôn ngữ xác định khả năng giao tiếp và sức ảnh hưởng của chúng ta đối với người khác cũng như với bản thân. Đó chính là cách chúng ta tạo dấu ấn cho riêng mình. Ngôn ngữ là công cụ để não bộ có thể thực hiện chức năng suy nghĩ, và suy nghĩ sẽ ảnh hưởng đến hành động. Cho nên, ngôn ngữ có sức ảnh hưởng trực tiếp lên suy nghĩ và từ đó là ảnh hưởng lên hành vi.
Chúng ta hay nói tư duy tích cực hay tư duy tiêu cực, nhưng nói một cách đơn giản thì quá trình tư duy là một cuộc đối thoại trong nội tâm. Bạn tư duy tích cực hay tiêu cực phụ thuộc vào những ngôn ngữ bạn dùng trong quá trình đối thoại nội tâm đó.
Hãy thử làm thí nghiệm này, nói theo câu dưới đây và chú ý vào điểm khác nhau trong phản ứng của bạn. Hãy bắt đầu với từng câu một:
- “Tôi cần thành công”
- “Tôi muốn thành công”
- “Tôi chọn thành công”
Bây giờ, bạn có thể làm lại lần nữa nhưng thay “thành công” bằng một điều gì đó rất quan trọng với bạn. (Nếu bạn chưa nghĩ ra điều gì ngay, tôi gợi ý bạn hãy thử với từ “hạnh phúc” – một điều rất ý nghĩa đối với tất cả chúng ta).
Ngôn ngữ trong NLP (Lập Trình Ngôn Ngữ Tư Duy) không đơn giản chỉ là ngôn từ mà còn là ngôn ngữ phi ngôn từ (giọng nói và cử chỉ).
NLP nhận ra tầm quan trọng của ngôn ngữ phi ngôn từ trong việc duy trì hoặc thay đổi trạng thái nội tâm. Điều này có nghĩa là nếu bạn đang trong trạng thái tâm lý tồi tệ, bạn có quyền lựa chọn tạo ra một trạng thái tốt hơn thông qua việc giao tiếp với chính mình bằng không chỉ ngôn từ mà còn ngôn ngữ phi ngôn từ như giọng nói, cử chỉ, trạng thái cơ thể,…
Hãy làm một cuộc thí nghiệm nhỏ với ngôn ngữ phi ngôn từ (bạn không cần nói gì cả, chỉ cần… làm)
- Nhìn lên cao, đưa tay lên và mỉm cười thật tươi, cùng lúc đó hãy cố gắng cảm thấy… buồn.
- Bây giờ cúi đầu nhìn xuống, mắt lờ đờ, toàn bộ cơ thể như nhũn ra, cùng lúc đó hãy cố gắng cảm thấy… vui vẻ.
Bạn có nhận ra trong cả 2 trường hợp, cảm xúc của bạn được quyết định bởi cách bạn điều khiển trạng thái cơ thể (ngôn ngữ phi ngôn từ) của mình nhiều hơn là bởi cái bạn “cố gắng”. Trong lần đầu, dù cố gắng buồn nhưng nhiều khả năng bạn sẽ vui. Còn ở lần hai, dù cố gắng vui, bạn lại cảm thấy nỗi buồn và sự chán nản từ từ xâm chiếm mình.
Bạn có nhận ra rằng với thí nghiệm đơn giản này, bạn đang dần dần đến gần hơn với việc làm chủ bản thân một cách toàn diện hơn thông qua NLP (Lập Trình Ngôn Ngữ Tư Duy)?
Đúng, bạn có một khả năng tiềm ẩn để làm chủ chính mình mà NLP sẽ là chìa khóa giúp bạn giải phóng tiềm năng đó.
Nếu bạn chưa cảm thấy thuyết phục, hãy thử một thí nghiệm khác. Hãy liệt kê ra những điều mà bạn nghĩ bạn không thể làm được. Ví dụ:
- “Tôi không thể thành công như người khác”
- “Tôi không thể giàu có như người khác”
- “Tôi không thể được nhiều người yêu quý như người khác”
- …
Bây giờ, hãy làm những bước sau với từng câu “Tôi không thể…” và chú ý diễn biến tâm lý của chính bản thân mình.
- Hãy nói ra câu nói ấy bằng giọng ngập ngừng, thiếu tự tin,… (nếu bạn chưa biết phải nói thế nào, hãy nhớ lại một lúc nào đó trong quá khứ mà bạn cực kì thiếu tự tin, ngập ngừng, lắp bắp,…).
- Tự hỏi chính bản thân mình một cách thật mạnh mẽ và tự tin: “Có thật là tôi không thể… ? Sẽ ra sao nếu tôi thật sự có thể nhưng lại nghĩ là mình không thể?”.
Bạn cảm thấy như thế nào. Có phải bạn đã bắt đầu nghi ngờ những điều “không thể” và bắt đầu tin rằng chúng “có thể”?
Ứng Dụng Của NLP (Lập Trình Ngôn Ngữ Tư Duy)
NLP (Lập Trình Ngôn Ngữ Tư Duy) đã được ứng dụng rộng rãi với kết quả vô cùng khả quan trong rất nhiều lĩnh vực:
- Kinh doanh
- Huấn luyện
- Bán hàng
- Lãnh đạo
- Tâm lý học
- Thể thao
- Y tế
- Thương thuyết
- Giáo dục
- Và nhiều lĩnh vực khác …
Ngày nay, hầu hết những quyển sách về phát triển bản thân đều chứa đựng một vài kỹ thuật NLP (Lập Trình Ngôn Ngữ Tư Duy), và nó đã được kết hợp ít nhiều vào hầu hết những khóa đào tạo kỹ năng sống và kỹ năng mềm. Tuy nhiên, không phải khóa học nào cũng vận dụng NLP một cách bài bản.
NLP được sử dụng trong giáo dục ở nhiều mảng khác nhau. Ví dụ: các giáo viên có thể tìm hiểu sự khác biệt giữa những đứa trẻ phân loại và lưu trữ thông tin theo thị giác (visual), thính giác (auditory) hay cảm giác (kinesthetic) – thường được gọi là phương pháp VAK. Có được thông tin này có thể giúp giáo viên điều chỉnh ngôn ngữ của họ để những gì họ dạy sẽ có thể được nhiều học trò lĩnh hội một cách thấu đáo và trọn vẹn nhất.
Các bác sĩ và luật sư đang tận dụng những kỹ thuật NLP tương tự để thu thập thông tin chất lượng từ bệnh nhân và khách hàng.
NLP cũng được sử dụng để nghiên cứu sức ảnh hưởng của hệ thống niềm tin đối với bệnh tật. Bước đầu nhận thấy cách các bác sĩ trao thông tin cho bệnh nhân như thế nào có thể là một công cụ hữu ích cho việc phục hồi (hoặc ngược lại). Không có lĩnh vực nào như lĩnh vực về sức khỏe mà câu châm ngôn “Nếu bạn tin vào điều gì thì nhiều khả năng điều đó sẽ diễn ra theo cách bạn tin” lại đúng đến thế.
Đặc biệt, NLP được dùng rất nhiều trong việc phát triển bản thân. Nó tập trung vào bạn muốn gì, bạn muốn trở thành người như thế nào, và làm thế nào để tìm thấy động lực bên trong để giúp bạn thay đổi. Thay vì đi theo các tâm lý truyền thống thường có khuynh hướng tập trung vào vấn đề và nguyên nhân của vấn đề, NLP tập trung vào giải pháp nhiều hơn.
NLP được sử dụng trong thể thao nhằm bảo đảm sự lặp lại của phong độ đỉnh cao cho các vận động viên.
Lợi Ích Của NLP Đối Với Doanh Nghiệp Và Tổ Chức
Song song với việc là một công cụ tuyệt vời để thay đổi từng cá nhân, thì lợi ích tiềm năng của NLP đối với doanh nghiệp và tổ chức là hết sức to lớn.
Ví dụ điển hình nhất để đánh giá hiệu quả của NLP trong tổ chức diễn ra vào năm 1986. Sau khi thuê một chuyên gia NLP, lực lượng quân đội Mỹ có thể giảm thời gian huấn luyện đội quân thiện xạ từ 6 tuần xuống chỉ còn 3 ngày mà không có ảnh hưởng nào đến tỷ lệ trúng tuyển.
Trong lĩnh vực kinh doanh, NLP đã đang được sử dụng để tăng cường hiệu quả bán hàng, kỹ năng ra quyết định, kỹ năng thuyết trình, tạo động lực, quản lý stress, và hầu hết các công việc mà bạn có thể nghĩ đến. Ví dụ: NLP đã được ứng dụng bởi Hội đồng của một trong những ngân hàng hàng đầu ở nước Anh trong việc đưa ra quyết định; bởi Walt Disney trong việc nhận diện các chiến lược mang tính sáng tạo; bởi Fiat trong việc đào tạo đội ngũ lãnh đạo; bởi các cơ quan pháp luật trong việc cải tạo (thay đổi) những phạm nhân; bởi các nhà điều hành của American Express để tạo mối quan hệ qua điện thoại; bởi nhiều công ty trong việc cho ra đời những mẫu quảng cáo ấn tượng, đánh mạnh vào tâm lý người tiêu dùng.
Châm ngôn của những nhà huấn luyện NLP là “nói thì phải làm”. Trong kinh doanh, chúng ta cần phải làm (và hoàn thành công việc một cách hiệu quả) nhiều hơn nói, chính vì thế, kinh doanh là một lĩnh vực mà NLP có thể tạo ra những đóng góp hết đặc biệt.
Và Cuối Cùng…
Có rất nhiều rất nhiều kỹ thuật NLP khác nhau mà bạn có thể sử dụng để hoàn thiện bản thân, và những người xung quanh. Chúng ta có thể làm chủ chính mình và lựa chọn cuộc sống theo cách mà chúng ta luôn mơ ước cùng với NLP (Lập Trình Ngôn Ngữ Tư Duy).
Bạn sẽ làm gì nếu bạn biết mình không thể thất bại? Bởi vì thất bại chỉ là một khái niệm trong tư duy mà thôi, bạn có thể “lập trình” lại cả thất bại.
No comments:
Write comments