Contact

nvt@ngovantrong.com

Hạnh phúc là hành trình, không phải là điểm đến

8/15/2016

7 Lý do khiến chúng ta KÉM SÁNG TẠO?


Tôi vẫn luôn trăn trở rằng tại sao nhiều người trong chúng ta có vẻ rất tiềm năng nhưng sự sáng tạo đích thực vẫn không xuất hiện nhiều như kỳ vọng. “Thiếu sáng tạo” thể hiện ở sự trì trệ trong sự phát triển chung của cả cộng đồng lớn mà chúng ta đang sống. Tôi thử đi tìm nguyên nhân và trên góc nhìn của mình, tôi nêu lên 7 nguyên nhân chính sau đây:

Không tin rằng mình sáng tạo

Dù tin hay không, phần lớn số đông những người bình thường có tiềm năng về não bộ sàn sàn nhau. Một trong những yếu tố khiến người khác sáng tạo còn bạn thì không nằm ở niềm tin vào khả năng sáng tạo của bản thân. Muốn sáng tạo, đầu tiên bạn phải tin rằng mình có thể sáng tạo. Nếu chính bản thân bạn còn không tin thì không ai có thể giúp được bạn.
Sáng tạo về bản chất là việc đưa ra các giải pháp cho các vấn đề mới phát sinh hoặc vấn đề cũ đã tồn tại, xét một cách sâu xa thì cũng không có gì quá ghê gớm. Rất nhiều việc bạn làm hàng ngày cũng mang tính sáng tạo: Đưa ra quyết định lựa chọn một món đồ nào đó, đưa ra ý tưởng tổ chức một buổi họp mặt,…chẳng hạn. Vấn đề là bạn phải nhận ra điều đó và gắn nó vào những việc mang tính “hệ thống” hơn.
Sự tự tin của bạn có thể được bồi đắp thông qua các hoạt động thực hành sáng tạo. Hãy thử làm một cái gì đó, thử chế một sản phẩm nhỏ mà hữu ích chẳng hạn. Qua quá trình này, bạn sẽ tìm được sự say mê và qua đó, bồi đắp niềm tin vào khả năng sáng tạo của mình. Một ví dụ để bạn tham khảo là trường hợp tại MES Lab. có một nhóm bạn đã trải nghiệm sáng tạo và đạt được sự tự tin (link: http://goo.gl/qW3XqF) .

Không rèn luyện thói quen sáng tạo

Sáng tạo, cũng như nhiều khả năng khác của con người, phần lớn không phải tự nhiên mà có (bẩm sinh), mà đạt được phần nhiều do sự rèn luyện. Ngay cả khi bạn được sinh ra với khả năng sáng tạo hơn người, nhưng nếu không luyện tập để “sáng tạo” trở thành một thói quen, bạn sẽ khó lòng duy trì được khả năng sáng tạo đã có.
Thói quen sáng tạo có thể được rèn luyện thông qua việc chịu khó quan sát, thường xuyên và tích cực trao đổi ý tưởng với bạn bè đồng nghiệp, và thường xuyên cố gắng thử “làm một cái gì đó” (một sản phẩm đơn giản, chẳng hạn). Cách tiếp cận mang tính phân tích, phản biện với bất cứ vấn đề gì xảy ra cũng giúp bạn nâng cao sự sáng tạo.
Bên cạnh đó, thường xuyên cập nhật, trang bị cho mình kiến thức nền tảng và hiểu biết trên nhiều lĩnh vực sẽ giúp sự sáng tạo của bạn trở nên bền vững và mạnh mẽ hơn.

Không đứng trên mặt đất

Nhiều người mãi chẳng bao giờ có hoạt động sáng tạo nào chỉ bởi vì họ luôn nghĩ “sáng tạo” phải là cái gì đó cao siêu. Đây là suy nghĩ sai lầm. Sáng tạo nằm ở những giải pháp cho những vấn đề bình thường nhất trong cuộc sống hàng ngày. Ở phương diện sáng tạo sản phẩm chẳng hạn, hãy thử nghĩ xem tại sao những tập đoàn lớn như P&G lại đổ cả núi tiền vào nghiên cứu những sản phẩm tưởng chừng “vớ vẩn” như là dao và bàn cạo râu?
Không gian rất tốt để bạn sáng tạo chính là những thứ bạn tiếp xúc hàng ngày, đừng bỏ phí.

Không có mục tiêu

Thiếu đi mục tiêu rõ ràng và chính đáng, sự sáng tạo của bạn mất đi động lực chính để phát triển. Sáng tạo là Giải pháp cho vấn đề nào đó trong cuộc sống và trong công việc. Nếu không có một sự trăn trở, một quyết tâm hay khao khát phải giải quyết vấn đề đang tồn tại (không có mục tiêu), rất khó để sáng tạo xuất hiện.
“Mục tiêu” có thể được tìm thấy khi bạn quan tâm hơn đến cuộc sống xung quanh. Nếu chưa có mục tiêu, có thể bạn đang hơi “thờ ơ” với cuộc sống đấy.

Tự giới hạn khả năng bản thân

Tự giới hạn khả năng bản thân, ngoài yếu tố thiếu tự tin bên trên, còn liên quan đến quan niệm của nhiều người về “nghề nghiệp”. Bạn có thể lý luận rằng, tôi được đào tạo về Chế tạo Robot, tôi sẽ chỉ làm về Robot thôi. Bạn hãy thử so sánh đơn giản số tuổi đời của bạn và số năm bạn học Đại học để thấy, nếu suy nghĩ như trên, bạn đã bỏ phí rất nhiều kiến thức, hiểu biết, kỹ năng khác như thế nào. Vì bạn học Robot, không có nghĩa là bạn chỉ biết về Robot!

Quá sùng bái Công cụ

Điều này thường xuất hiện ở những người trẻ. Một số bạn có xu hướng nghĩ rằng, với công nghệ phát triển mạnh như hiện nay, máy tính và các thiết bị tối tân, các phần mềm hiện đại sẽ hoàn toàn biến bạn thành người sáng tạo. Thực tế không phải như vậy, các máy tính hay phần mềm chỉ là công cụ để hỗ trợ bạn thực thi sự sáng tạo của mình chứ tuyệt đối chúng không “sáng tạo” thay cho bạn được. Người ta hay nói đại ý cây bút vẽ không làm nên họa sĩ là như vậy.
Thậm chí ở chiều hướng ngược lại, việc ỷ lại vào máy tính và các công cụ công nghệ sẽ làm cùn sự sáng tạo trong bạn.

Không có Phương pháp & đường hướng rõ ràng

Đây là rào cản khiến nhiều người trong chúng ta dù đang trên con đường phát triển sự sáng tạo nhưng sẽ loay hoay, bế tắc, lạc hướng dẫn đến mất niềm tin, bỏ ngang công việc và đánh mất khả năng sáng tạo. Nếu có một đường lối rõ ràng dẫn dắt cho sự sáng tạo của bạn, bạn sẽ có đủ tự tin để kiên định đi theo nó, việc lạc hướng hay mất niềm tin sẽ không xảy ra và khi bạn đã qua những chỗ khó khăn trên chặng đường ấy, sự sáng tạo của bạn sẽ được nâng lên một tầm cao mới.
Một ví dụ cho một “con đường” dẫn dắt sáng tạo mà bạn có thể tham khảo là Quy trình Phát triển sản phẩm (link: http://goo.gl/QgS46o).
Trên đây, dưới góc nhìn cá nhân, tôi đã thử vạch ra 7 nguyên nhân mà tôi cho rằng là những nguyên nhân chính dẫn đến việc một số bạn chưa sáng tạo đúng với những tiềm năng bạn đang có. Hãy thử xem mình vướng vào nguyên nhân nào và tìm cách khắc phục, tôi tin rằng bạn sẽ thấy ngay kết quả.
Tôi tin là mỗi người trong chúng ta đều có khả năng sáng tạo, chỉ là chưa dẹp được những rào cản để nó bung ra thôi.
Hãy bắt tay dọn dẹp ngay hôm nay đi bạn.

No comments:
Write comments

Connect me on twitter. You'll get more udpates - https://twitter.com/ngovantrong
Join Our Newsletter