Contact

nvt@ngovantrong.com

Hạnh phúc là hành trình, không phải là điểm đến

1/22/2020

Doanh nghiệp hạnh phúc - Cuộc đời hạnh phúc

BA CUỘC ĐỜI CỦA DOANH NGHIỆP HẠNH PHÚC


Doanh nghiệp và cuộc sống có bắt buộc phải căng thẳng

“Em cảm thấy cuộc đời vô nghĩa quá anh ạ”. Hương, một người bạn của tôi vừa tâm sự rằng cô ấy bị trầm cảm nặng. Hương chỉ khoảng 30 tuổi, vừa mới có con, cô ấy đã dành cả cuộc đời chạy theo những mong muốn và tiêu chuẩn của người khác dành cho mình. Hương có một công việc nhìn bằng tiêu chuẩn xã hội là vô cùng hấp dẫn - bác sĩ, nhưng cô ấy thấy mình lao đầu cả cuộc đời vào học, theo đuổi những mục tiêu, để rồi cảm thấy dường như mọi thứ đều vô nghĩa.

Người nhà muốn Hương lao vào kiếm tiền trong khi cô ấy thấy việc kiếm tiền thật vô cảm, nên xung đột với gia đình. Đi làm, ở nhà hay kiếm tiền đều không vui. Hương nên làm gì để cảm thấy mình hạnh phúc, sống có ý nghĩa?

“Em không muốn nhấc điện thoại lên trả lời khi thấy sếp gọi hay nhắn tin anh ạ”. Phúc, một người bạn khác của tôi, tâm sự rằng khi nhìn thấy tin nhắn hay chuông điện thoại của sếp gọi mỗi ngày là bạn ấy không muốn nhấc máy trả lời. Phúc không phải là một nhân viên trẻ cấp thấp mới ra trường, anh ấy đã trên 40 tuổi và đang làm CEO điều hành một doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng với doanh số ngàn tỷ và hàng ngàn nhân viên.

Phúc là người được học tập và rèn luyện ở nước ngoài, có nhiều bằng cấp mạnh và đã từng làm ở các doanh nghiệp lớn, áp lực và khó khăn. Sếp hiện tại của Phúc là chủ tịch hội đồng quản trị. Cả sếp lẫn doanh nghiệp này đều nổi tiếng trên thị trường.

Việc Phúc cảm thấy căng thẳng đến độ sợ hãi những áp lực “có thể” tới từ sếp trực tiếp đến độ có cảm giác rất rõ ràng, cụ thể: Không muốn thò tay với cái điện thoại đang rung. Phúc cũng có con còn nhỏ, tôi tự hỏi, khi cuối ngày về đến nhà, Phúc có còn năng lượng để bộc lộ yêu thương tới gia đình mình hay lúc đó kiệt sức nằm liệt? Công việc của Phúc, dù được trả công rất cao so với mặt bằng xã hội, có xứng đáng với những gì anh đang trải qua? Nếu sau này Phúc bị trầm cảm nặng và… Tôi thực sự không dám tưởng tượng tiếp.

“Còn tôi chỉ muốn nghỉ”- Tôi cũng đã từng bị trầm cảm nặng  nhiều đợt mà không hề biết cho tới khoảng 11 năm trước, Thuận (một người  bạn của tôi) chỉ cho thấy. Chính anh ấy cũng bị và đang điều trị nên  mới nhận ra tôi cũng dính.

Lúc đó tôi đang giữ một trong vài vị  trí đứng đầu một doanh nghiệp cũng hàng đầu trong ngành của mình, được  gia đình yêu thương quan tâm, có thu nhập tốt, những điều kiện vật chất  tuyệt vời. Tôi kiếm tiền rất tốt, nhưng không hề thấy vui.

Ngay  cả Thuận, cũng là một chủ doanh nghiệp đang phát triển bị trầm cảm.  Doanh nghiệp của Thuận với cả chục chi nhánh đang vận hành rất hiệu quả  và hàng chục sản phẩm mới được thiết kế và sản xuất mỗi năm mà không cần  phải quá căng thẳng.

Nhưng cả Thuận và tôi đều sống trong căng thẳng, lo  lắng, sợ hãi. Tôi còn nhớ vào thời điểm đó, tôi thường xuyên ra khỏi  công ty của mình vào khoảng 8 - 10 giờ tối. Về tới nhà, tôi nuốt vội  miếng cơm cũng đã nguội, rồi lăn ra ngủ. Mỗi sáng thức dậy, cảm giác của  tôi là cạn kiệt năng lượng. Dường như tôi không bước khỏi giường mà  đang bò ra. Nghĩ đến chuyện phải đến công ty, tôi không cảm thấy có năng  lượng. Tôi chỉ muốn nghỉ.

Dĩ nhiên, Hương,  Phúc, Thuận là những cái tên tôi đặt ra thay cho tên thật, để bảo vệ  cuộc sống cá nhân của những người tôi quý mến. Nhưng cả bốn chuyện của  họ và của tôi đều là những câu chuyện có thật, đã và đang diễn ra trong  cuộc sống. Trầm cảm, hay mức độ nhẹ hơn của nó là stress - căng thẳng -  dường như đang lan vào cuộc sống của chúng ta trong thế kỷ 21 này nhanh,  mạnh và khó thấy hơn chúng ta tưởng.

Nếu bạn đang ở cấp quản lý, điều hành một doanh nghiệp,  bạn cần nhìn thấy những triệu chứng, ảnh hưởng vô cùng tiêu cực của  trầm cảm, căng thẳng đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và có cách  xây dựng hệ thống phòng chống, xử lý.

Xây dựng doanh nghiệp hạnh phúc trước tiên cần hiểu về  hạnh phúc. Cuộc đời hạnh phúc rất đơn giản được xây dựng trên ba mặt:  Cuộc đời vui, Cuộc đời gắn kết, Cuộc đời ý nghĩa.

Ba cuộc đời của cuộc sống hạnh phúc
Cuộc sống vui -  Vui là mặt của hạnh phúc chúng ta biết rõ nhất. Nó là những điều làm ta  thấy sung sướng, vui vẻ; những trải nghiệm chúng ta tận hưởng: Ăn một  món ngon, uống một ly cafe tuyệt vời, xem một phim hay, cười khúc khích  với bạn, gặp gỡ người thú vị… Bạn có thể tập luyện các kỹ năng để sống  vui hơn ví dụ như luyện thiền, luyện chánh niệm, luyện tận hưởng các  trải nghiệm để niềm vui trở nên mạnh mẽ hơn, được lưu trữ trong ký ức  sâu hơn, lặp lại các ký ức vui dễ dàng hơn. Bạn thậm chí có thể thiết kế  ngày làm việc hoặc nghỉ ngơi của mình có nhiều niềm vui hơn bằng cách  sắp xếp tạo những trải nghiệm mong muốn.

Vấn đề  của cuộc sống vui là những trải nghiệm này qua đi rất nhanh, nên bạn dễ  lao vào theo đuổi những trải nghiệm dễ chịu suốt cuộc đời mình. Thứ hai  là những trải nghiệm mang tính thói quen, gây nghiện, nên nếu lặp lại  trải nghiệm cũ nhiều lần, bạn sẽ không còn cảm giác vui giống như trước.  Thứ ba, mức độ vui của bạn bị giới hạn tới 50% mang tính di truyền, 10%  ảnh hưởng từ bên ngoài, và chỉ có 40% là từ chính bạn. Vì thế dù nỗ lực  cải thiện phần 40% của bạn, nó cũng chỉ thay đổi khoảng 15 - 20% tổng  thể mà thôi.

Cuộc sống gắn kết - Gắn kết là mặt mà các nhà khoa học mới  tìm thấy thời gian gần đây. Chúng ta có thể gắn kết với công việc mình  đang làm qua những trải nghiệm tập trung sâu tới mức quên thời gian.  Chúng ta có thể xây dựng những trải nghiệm chung trong đội nhóm tương tự.

Các nhà khoa học đã đưa ra ba điều kiện  để tạo được sự gắn kết trong công việc: Cần thực hiện một hoạt động với  mục tiêu và tiến độ rõ, điều này sẽ làm rõ định hướng và cấu trúc nhiệm  vụ. Nhiệm vụ đang thực hiện phải có phản hồi rõ ràng và ngay lập tức,  giúp người thực hiện điều chỉnh cách làm theo yêu cầu thay đổi và giữ  được trạng thái tập trung sâu. Người thực hiện cần sự cân bằng giữa cảm  nhận độ khó của thách thức cho nhiệm vụ đang cần hoàn thành và cảm nhận  về khả năng cá nhân; người đó phải tự tin về khả năng của mình để hoàn  thành nhiệm vụ.

Để xây dựng được sự gắn kết qua  công việc, chúng ta có thể thiết kế nhiệm vụ hoặc trải nghiệm chung cho  đội nhóm để người thực thi cảm nhận: Họ biết họ cần làm gì? Họ biết họ  cần làm như thế nào? Họ biết họ đang làm tốt đến đâu? Họ biết cần đi đâu  (ví dụ tìm gặp ai, đến đâu, điều chỉnh ra sao để tới đích)? Họ cảm nhận  về thách thức - bài toán phải giải, nhiệm vụ cần làm - cao nhưng vẫn  trong tầm làm được? Họ cảm nhận về kỹ năng cần có để thực thi cao? Họ  không bị làm phiền (ví dụ bằng những việc lặt vặt)? Họ có đủ nguồn lực  cần thiết.

Rõ ràng, rất hiếm doanh nghiệp có thể  thiết kế nhiệm vụ giao phó cho từng vị trí đạt được những điều kiện nêu  trên. Vì thế phần lớn chúng ta tuy có thể từng có trải nghiệm chìm đắm  sâu trong công việc nhưng rất hiếm xảy ra. Đây là trạng thái “chìm đắm  trong dòng chảy” - hay còn gọi là dòng chảy (Flow) - được nhà khoa học  Csíkszentmihályi Mihály chỉ ra từ năm 1975 nhưng vẫn còn rất hiếm người  biết tới. Nếu bạn khó hình dung được “dòng chảy” này, hãy quan sát người  chơi trò chơi điện tử họ tập trung ra sao. Các trò chơi điện tử được  thiết kế tạo ra “dòng chảy” dễ dàng.

Cuộc sống ý nghĩa -  Ý nghĩa của cuộc sống và công việc là cách chúng ta kể chuyện cho chính  mình về ý nghĩa của điều mình đang làm. Chúng ta đang thuộc về một đội  nhóm nào có ý nghĩa, và đang phục vụ một điều gì đó lớn lao hơn chúng  ta, hơn công việc của cá nhân, hơn số tiền cá nhân nhận được. Công việc  nhỏ hay lớn đều có thể có ý nghĩa, vấn đề nằm ở chỗ chúng ta có tin vào  điều đó hay không, có đang thực sự làm và chiến đấu vì nó.

Ví  dụ bạn đang mở chuỗi quán cafe. Bạn có thể tin rằng công việc của bạn  là tổ chức bán các ly cafe giá 50.000 đồng. Bạn cũng có thể tin rằng  doanh nghiệp của mình đang đem lại niềm vui và hạnh phúc cho khách hàng  mỗi ngày qua việc trải nghiệm những ly cafe tuyệt vời. Hai góc nhìn, góc  nào cũng đúng.

Nhưng với góc nhìn thứ nhất,  chúng ta chỉ nhìn thấy góc nhìn lý trí, không sai, nhưng thiếu hẳn ý  nghĩa truyền cảm hứng. Với góc nhìn thứ hai, chúng ta dễ nhìn thấy được  từng người trong doanh nghiệp của mình nhìn rõ được ý nghĩa, mục đích  của công việc họ đang làm mỗi ngày. Người phục vụ không bưng ly cafe lại  bàn, người ấy đang góp phần làm một ngày của khách hàng trở nên tuyệt  vời hơn. Người quét dọn không phải đang làm công việc quét dọn, người ấy  đang góp sức vào việc đem lại một ngày của khách hàng trở nên tuyệt vời  hơn. Chúng ta cần cả hai góc nhìn để doanh nghiệp của mình phát triển  tuyệt vời.

Xây dựng 3 cuộc đời hạnh phúc cho doanh nghiệp như thế nào?
Trong ba cuộc đời nói trên, cuộc đời ý nghĩa mạnh mẽ nhất, đem lại năng lượng nhiều nhất. Cuộc đời gắn kết cũng rất mạnh mẽ nhưng cần thiết kế kỹ và khéo hơn để xây dựng văn hóa  và hệ thống của doanh nghiệp hướng tới sự gắn kết với công việc bằng  những trải nghiệm tập trung quên cả thời gian và những mối quan hệ sâu  sắc có ý nghĩa. Cuộc đời vui có thể xây dựng được mà không hề tốn kém bằng cách thiết kế những tương tác tạo trải nghiệm vui trong doanh nghiệp của mình.

Chúng  ta hãy thử phân tích những hướng giải pháp theo ba góc nhìn về hạnh  phúc nêu trên để xây dựng doanh nghiệp của mình: Thiết kế xây dựng ý  nghĩa; Thiết kế xây dựng gắn kết; Thiết kế xây dựng niềm vui.

Những điều bạn có thể xây dựng trong doanh nghiệp của mình gồm có:

-- Xây  dựng ý nghĩa tồn tại của doanh nghiệp qua sứ mệnh (bạn có thể gọi nhẹ  nhàng là nhiệm vụ) hay tầm nhìn (mục tiêu xa. Mọi người đang nỗ lực vì  điều gì?

-- Xây dựng có chiến lược và hệ thống tổ  chức học tập. Mọi người thấy mình có ý nghĩa khi công việc của họ được  trân trọng và liên tục phát triển.

-- Khuyến khích  trao quyền sáng tạo sau khi hướng dẫn cách sáng tạo, xây dựng năng lực  thiết kế và giải quyết vấn đề. Mọi người thấy mình mạnh mẽ hơn khi được  trao quyền và được tự quản. Tùy theo nhiệm vụ và năng lực của đội nhóm,  chúng ta thiết kế lộ trình trao quyền cụ thể.

-- Ghi  nhận, khen ngợi những nỗ lực vươn lên, sáng tạo, thiết kế. Động viên  những nỗ lực chưa đạt được thành công, thậm chí có thể khen thưởng cả  những nỗ lực này.

-- Xây dựng hệ thống những mục  tiêu có ý nghĩa, liên tục vươn lên, và sau đó tìm cách hỗ trợ đội nhóm  và cá nhân hoàn thành: huấn luyện, làm rõ, hỗ trợ, tạo nguồn lực, công  cụ, công nghệ…

-- Xây dựng hệ thống trong suốt minh  bạch với những mục tiêu và kết quả rõ ràng. Ai đang làm tốt điều gì, ai  cần làm gì để tốt hơn lên...

-- Chia sẻ những bài  học thành công để lan truyền cảm hứng và nâng cao năng lực các đội nhóm  và cá nhân; xây dựng uy tín cá nhân cho từng người.

-- Xây  dựng những thói quen, văn hóa trao đổi, đóng góp xây dựng thường xuyên  không chỉ cấp trên cấp dưới, mà còn giữa những người đồng cấp. Cấp dưới  có thể đóng góp, xây dựng ý kiến cho cấp trên cần làm gì để đội nhóm tốt  hơn. Cần chú ý xây dựng năng lực lãnh đạo cho mọi vị trí, biết góp ý  khéo léo và biết nhận phản hồi một cách bình tĩnh dù phản hồi có thể  không được như ý.

-- Xây dựng tinh thần vì nhau,  yêu thương, gắn kết, giúp đỡ nhau cùng vươn lên bằng cách chỉ rõ các mục  tiêu của cá nhân đều ảnh hưởng đến mục tiêu chung, đến thành công của  toàn doanh nghiệp, các đội và cá nhân.

-- Xây dựng chính sách chia tiền mạnh mẽ giúp từng cá nhân cảm nhận mình thực sự làm chủ doanh nghiệp mà mình đang làm việc.

-- Xây  dựng môi trường làm việc cả về vật chất lẫn tinh thần ngày một tốt đẹp  hơn, dễ chịu hơn, thoải mái hơn, bớt cực hơn, bớt lo lắng, bớt căng  thẳng vì mình có cả tập thể đứng sau lưng mình, mình được giúp đỡ, được  hỗ trợ, mình được sống và làm việc có ý nghĩa.
-- Xây  dựng các trải nghiệm vui như tổ chức các buổi vui chơi, cùng tập thể  dục, chơi thể thao, đi du lịch, các buổi ăn uống chung, các gia đình gặp  gỡ và hiểu thêm về công việc của người vợ, chồng hay con đang làm việc.

-- Thêm  vào những điều trên, bạn và các cấp quản lý cần đọc và nghiên cứu sâu  về Stress và Trầm cảm. Những người xung quanh bạn có thể đang bị mà họ  không hề biết. Họ mệt mỏi, kiệt sức và làm việc kém, họ không hạnh phúc.  Bạn có thể giúp được họ hoặc hướng dẫn cho họ các phương thức thoát  khỏi như tập thiền, chánh niệm, hít thở, yoga, thể dục…

Xin đừng bị giới hạn bởi những ý tưởng gợi ý của tôi trong danh sách này, chắc chắn bạn có thể làm được nhiều hơn nhiều.

Bạn  có thể tham khảo những cuốn sách đã và đang được dịch ở Việt Nam về các  chủ đề Tâm lý hành vi, Tâm lý học tích cực, Văn hóa doanh nghiệp, Ý  nghĩa công việc, Hạnh phúc trong công việc, Hành vi và sự thay đổi của  các tác giả như Dan Ariely, Daniel Kahneman, Martin Seligman, Daniel  Gilbert, Tal Ben-shahar, Carol Dweck, Angela Duckworth, Csíkszentmihályi  Mihály, Daniel Goleman, Dan Heath & Chip Heath, Charles Duhigg,  Daniel Pink, Annie McKee, Jurgen Appelo, Jill Geisler, Chade Meng Tan,  Paul Marciano, Derek Sivers...

--

Trần Xuân Hải - Missionizer
Progress Faster - Bond Stronger
20200122

No comments:
Write comments

Connect me on twitter. You'll get more udpates - https://twitter.com/ngovantrong
Join Our Newsletter