Contact

nvt@ngovantrong.com

Hạnh phúc là hành trình, không phải là điểm đến

12/25/2018

CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN DOANH THU

Doanh thu tiêu thụ sản phẩm hàng hoá, dịch vụ của doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của các nhân tố như khối lượng sản phẩm sản xuất và tiêu thụ, chất lượng sản phẩm tiêu thụ, kết cấu mặt hàng, giá bán sản phẩm, thị trường tiêu thụ và phương thức tiêu thụ, thanh toán tiền hàng.





·        Nhân tố khối lượng sản phẩm sản xuất và tiêu thụ


 Khối lượng sản phẩm sản xuất có ảnh hưởng trực tiếp đến khối lượng sản phẩm tiêu thụ. Sản phẩm sản xuất ra càng nhiều thì có khả năng tiêu thụ càng lớn, khả năng tiêu thụ lớn thì doanh thu tiêu thụ càng cao. Song nếu sản phẩm sản xuất ra mà vượt nhu cầu thị trường thì dẫn tới cung vượt cầu, sản phẩm không tiêu thụ hết, hàmg hoá bị ứ đọng, gây hậu quả xấu cho sản xuất kinh doanh điều này ảnh hưởng tới lợi nhuận của doanh nghiệp. Ngược lại, nếu khối lượng sản phẩm sản xuất ra nhỏ hơn nhu cầu thị trường thì doanh thu sẽ giảm và gây ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận của doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp cần nắm rõ nhu cầu thị trường, khả năng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để xác định khối lượng sản xuất cho phù hợp. Đây được coi là nhân tố mang tính chủ quan thuộc về doanh nghiệp, nó phản ánh những cố gắng của doanh nghiệp trong công tác tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

·        Nhân tố chất lượng sản phẩm hàng hoá, dịch vụ tiêu thụ


 Chất lượng sản phẩm thường thể hiện ở phẩm cấp, kiểu dáng mẩu mã, màu sắc, khả năng thoả mãn thị hiếu người tiêu dùng…. chất lượng sản phẩm hàng hoá, dịch vụ có ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa, dịch vụ, do đó ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu tiêu thụ sản phẩm. Nếu sản phẩm có chất lượng cao giá bán sẽ cao hơn và ngược lại, chất lượng thấp giá sẽ hạ. Chất lượng sản phẩm cao là một trong những điều kiện quyết định mức độ tín nhiệm đối với người tiêu dùng, nó là một trong ba yếu tố cơ bản tạo ra lợi thế trong cạnh tranh, là điều kiện cho sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Mặt khác, nâng cao chất lượng sản phẩm còn tạo điều kiện để sản phẩm, dịch vụ tiêu thụ dễ dàng hơn và nhanh chóng thu được tiền hàng. Ngược lại, những sản phẩm chất lượng thấp, không đúng quy cách sẽ rất khó tiêu thụ hoặc tiêu thụ được nhưng giá rẻ, từ đó làm giảm doanh thu tiêu thụ dẫn tới giảm lợi nhuận. Đây là nhân tố chủ quan thuộc về doanh nghiệp, thể hiện trình độ tay nghề của người lao động và khả năng ứng dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật, các kinh nghiệm quản lý vào sản xuất kinh doanh.

·        Nhân tố kết cấu mặt hàng tiêu thụ


Trong nền kinh tế thị trường nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng ngày càng đa dạng và phong phú. Mỗi doanh nghiệp đều có thể tiến hành sản xuất kinh doanh và tiêu thụ nhiều mặt hàng với kết cấu khác nhau. kết cấu mặt hàng là tỷ trọng về giá trị của mặt hàng đó so với tổng giá trị các mặt hàng của doanh nghiệp trong một thời kỳ nhất định. Trong thực tế, nếu tăng tỷ trọng mặt hàng có mức sinh lời cao, giảm tỷ trọng bán ra những mặt hàng có mức sinh lời thấp dù mức lợi nhuận cá biệt của từng mặt hàng không thay đổi thì tổng lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ tăng lên và ngược lại, tăng tỷ trọng mặt hàng có mức sinh lời thấp, giảm tỷ trọng những mặt hàng có mức sinh lời cao sẽ làm cho lợi nhuận của doanh nghiệp bị giảm đi. Như vậy, thay đổi kết cấu mặt hàng tiêu thụ sẽ làm cho doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp thay đổi. Tuy nhiên, trong điều kiện cạnh tranh ngày càng khốc liệt việc giữ “chữ tín” với khách hàng là đặc biệt quan trọng, quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Vì vậy, một mặt doanh nghiệp có thể thay đổi kết cấu mặt hàng để tăng doanh thu nhưng phải luôn đảm bảo thực hiện đầy đủ những đơn đặt hàng theo yêu cầu của khách hàng, hạn chế chạy theo lợi nhuận trước mắt mà ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp.


·        Nhân tố giá bán sản phẩm hàng hoá, dịch vụ


 Giá cả là nhân tố có ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu bán hàng. Trong điều kiện các yếu tố khác không thay đổi, giá bán sản phẩm hàng hoá dịch vụ tăng lên thì doanh thu bán hàng sẽ tăng lên và ngược lại, giá giảm sẽ làm doanh thu giảm đi. Tuy nhiên, thông thường khi tăng giá bán sản phẩm thì khối lượng tiêu thụ lại có xu hướng giảm xuống và ngược lại, khi giảm giá thì khối lượng tiêu thụ lại có xu hướng tăng lên. Vì vậy, trong nhiều trường hợp tăng giá không phải là biện pháp thích hợp để tăng doanh thu, nếu việc tăng giá bán không hợp lý sẽ làm cho việc tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn, gây nên tình trạng ứ đọng hàng hoá và sẽ làm cho doanh thu giảm xuống. Như vậy, giá bán tăng hay giảm một phần quan trọng là do quan hệ cung cầu trên thị trường quyết định. Do vậy, để đảm bảo được doanh thu và lợi nhuận, doanh nghiệp cần phải có một chính sách giá bán hợp lý.

·        Nhân tố thị trường tiêu thụ và chính sách bán hàng hợp lý


Thị trường tiêu thụ có ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp. Nếu sản phẩm của doanh nghiệp phù hợp với nhu cầu thị trường và được thị trường chấp nhận thì việc tiêu thụ sẽ dễ dàng hơn, nếu thị trường tiêu thụ rộng lớn không chỉ bó hẹp trong nước mà còn mở rộng ra thị trường quốc tế thì doanh nghiệp sẽ dễ dàng tăng khối lượng tiêu thụ để tăng doanh thu. mặt khác, việc vận dụng các phương thức thanh toán khác nhau luôn ảnh hưởng đến công tác tiêu thụ. Do vậy, muốn nâng cao doanh thu bán hàng, một mặt phải biết vận dụng các phương thức thanh toán hợp lý, có chính sách tín dụng thương mại phù hợp, mặt khác phải thực hiện đầy đủ các nguyên tắc kiểm nhập xuất giao hàng hóa. Đặc biệt là trong thanh toán quốc tế, để đảm bảo thu hồi tiền hàng một cách đầy đủ và an toàn, doanh nghiệp phải tuân thủ một cách đầy đủ các điều kiện về tiền tệ, về địa điểm , về thời gian và phương thức thanh toán

Nhóm nhân tố ảnh hưởng đến chi phí


Thực chất ảnh hưởng của nhân tố này là ảnh hưởng của giá thành sản phẩm tiêu thụ và nó tác động ngược chiều đến lợi nhuận. Giá thành sản phẩm cao hay thấp, tăng hay giảm là tuỳ thuộc vào kết quả của việc quản lý và sử dụng lao động, vật tư, tiền vốn trong quá trình sản xuất của doanh nghiệp. Do đó, nó là tác động của các nhân tố chủ quan trong công tác quản lý của doanh nghiệp, nhóm nhân tố này bao gồm các nhân tố sau:

·        Nhân tố chi phí nguyên vật liệu trực tiếp


Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp là những khoản chi phí liên quan tới việc sử dụng nguyên liêu, vật liêu phục vụ trực tiếp cho quá trình sản xuất sản phẩm của doanh nghiệp. đối với các doanh nghiệp sản xuất, chi phí nguyên vật liệu thường chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi phí, do vậy, nếu tiết kiệm được khoản chi phí này sẽ góp phần làm giảm giá thành và tăng lợi nhuận.

Chi phí nguyên vật liệu được xác định như sau: chi phí nguyên vật liệu = định mức tiêu hao nguyên vật liệu x giá đơn vị nguyên vật liệu

 Định mức tiêu hao nguyên vật liệu: Nhân tố này có quan hệ tỷ lệ thuận với khoản chi vật liệu. Việc thay đổi mức tiêu hao có thể do thay đổi mẫu mã, do công tác quản lý sử dụng nguyên vật liệu và đặc biệt do quy trình công nghệ. Trong điều kiện hiện nay cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật phát triển hết sức mạnh mẽ, nhiều phát minh mới, nhiều công nghệ hiện đại mới ra đời, nhiều vật liệu mới ra đời thay thế vật liệu cũ…. nếu doanh nghiệp có khả năng ứng dụng được những thánh tựu khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất kinh doanh thì sẽ không ngừng nâng cao được năng suất lao động, tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu, giảm chi phí, hạ giá thành, từ đó làm tăng lợi nhuận của doanh nghiệp. việc ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất còn nâng cao được chất lương sản phẩm, hạ giá thành, công tác tiêu thụ sẽ thuận lợi hơn và doanh thu sẽ tăng lên. Vì vậy, các nhà quản lý phải xây dựng kế hoạch sản xuất, đổi mới công nghệ và kiểm tra thường xuyên nhằm sử dụng tiết kiệm nguyên vật liệu cho sản xuất.

Giá đơn vị nguyên vật liệu xuất dùng: nhân tố này tỷ lệ thuận với khoản chi phí nguyên vật liệu. Việc thay đổi giá nguyên vật liệu xuất dùng lại tuỳ thuộc vào giá mua trên thị trường và các chi phí bỏ ra liên quan tới quá trình thu mua vật tư. Do đó, đây là nhân tố ảnh hưởng vừa khách quan vừa chủ quan đến giá thành sản phẩm nên khi xem xét ảnh hưởng của nó phải dựa vào điều kiện cụ thể của từng doanh nghiệp, từng nguồn hàng cụ thể để có kết luận chính xác về tác động của giá nguyên vật liệu xuất dùng đến khoản chi nguyên vật liệu trong giá thành sản phẩm. Như vậy, các nhân tố định mức tiêu hao nguyên vật liệu, giá mua nguyên vật liệu, chi phí thu mua đều ảnh hưởng tới tổng chi phí và tác động tới lợi nhuận của doanh nghiệp. Đòi hỏi các doanh nghiệp không những tìm các biện pháp để giảm thiểu các khoản chi phí trên mà còn phải xác định mức ảnh hưởng của từng nhân tố đến khoản chi nguyên vật liệu để có biện pháp thích hợp.

·        Nhân tố chi phí nhân công trực tiếp


 Chi phí nhân công trực tiếp là chi phí để trả lương và các khoản trích theo lương cho công nhân sản xuất trực tiếp. Các doanh nghiệp việt nam hiện nay do cơ sở vật chất trang thiết bị kỹ thuật còn lạc hậu, năng suất lao động chưa cao, còn sử dụng nhiều lao động trực tiếp vào sản xuất. Do đó chi phí nhân công trực tiếp còn chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng chi phí sản xuất. Để giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh đòi hỏi các doanh nghiệp phải tìm biện pháp để giảm chi phí tiền lương công nhân trực tiếp trên một vị sản phẩm. Tuy nhiên, việc hạ thấp chi phí tiền lương phải hợp lý bởi vì tiền lương là một hình thức trả thù lao cho người lao động. Cùng với sự phát triển của xã hội đời sống ngày càng được cải thiện đòi hỏi tiền lương cũng phải được tăng cao. Do đó doanh nghiệp phải tăng cường đầu tư đổi mới trang thiết bị công nghệ, nâng cao trình độ quản lý, tăng năng suất lao động, có một chính sách sử dụng lao động hợp lý, có nhiều biện pháp khuyến khích như tạo điều kiện để người lao động học tập nâng cao trình độ, quan tâm đến đời sống và điều kiện làm việc của công nhân, khuyến khích bằng vật chất và tinh thần cho người lao động thì sẽ kích thích được người lao động làm việc nhiệt tình, sáng tạo, cống hiến hết mình cho sự phát triển của doanh nghiệp.

·        Nhân tố chi phí sản xuất chung


Chi phí sản xuất chung là các chi phí cho hoạt động của phân xưởng trực tiếp tạo ra hàng hoá dịch vụ, bao gồm các chi phí: chi phí nguyên vật liệu, công cụ dụng cụ, khấu hao tài sản cố định phân xưởng, chi phí dịch vụ mua ngoài, chi phí khác bằng tiền phát sinh ở phạm vi phân xưởng…. các doanh nghiệp cần có kế hoạch đào tạo nâng cao trình độ quản lý sản xuất liên quan đến nhiều khâu như nâng cao trang thiết bị máy móc, trình độ kỹ thuật công nhân viên, tăng hiệu suất làm việc điều đó sẽ góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp.

·        Nhân tố chi phí bán hàng


Chi phí bán hàng là những khoản chi phí bỏ ra để đảm bảo cho quá trình tiêu thụ hàng hoá dịch vụ của doanh nghiệp được thực hiện. Đó là những khoản chi phí về tiền lương, các khoản phụ cấp phải trả cho nhân viên bán hàng, chi phí đóng gói vận chuyển bảo quản, khấu hao tài sản cố định …. chi phí bán hàng phụ thuộc vào đặc điểm sản xuất kinh doanh, điều kiện tự nhiên, tình hình thị trường tiêu thụ nếu biết tiết kiệm chi phí tiêu thụ sản phẩm sẽ góp phần làm hạ giá thành sản phẩm và tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp. Tuy nhiên phải phấn đấu giảm chi phí một cách hợp lý để không làm giảm uy tín của doanh nghiệp.

·        Nhân tố chi phí quản lý doanh nghiệp


 Chi phí quản lý doanh nghiệp gồm các chi phí quản lý doanh nghiệp, quản lý hành chính và các chi phí chung khác có liên quan đến toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp như tiền lương, các khoản phụ cấp phải trả cho ban giám đốc và nhân viên quản lý ở các phòng ban, lãi vay vốn kinh doanh, dự phòng phải thu khó đòi, chi phí tiếp tân…. các khoản chi phí này là nhỏ nhất trong tổng giá thành nhưng càng tiết kiệm thì càng giảm giá thành và tăng lợi nhuận của doanh nghiệp.

No comments:
Write comments

Connect me on twitter. You'll get more udpates - https://twitter.com/ngovantrong
Join Our Newsletter