Contact

nvt@ngovantrong.com

Hạnh phúc là hành trình, không phải là điểm đến

9/12/2016

Người Hoa ở Việt Nam

Một bài viết rất với rất nhiều thông tin bổ ích về giới giàu có người Hoa ở Việt Nam trước năm 1975. Muốn dân giàu nước mạnh thì một phần phải hiểu tình hình lịch sử Việt Nam ta. 


ĐIỂM MẶT "TÀI XÌ THẨU" BA TÀU Ở VIỆT NAM


Người Việt Nam ta là giống nòi cao quý, khéo biết phòng xa, chưa đi đã sợ té, vừa ăn đã ngay ngáy lo ói mửa uổng phí của trời. Từ đó, truyền thống linh thiêng của ta là an phận thủ thường, ăn chắc mặc bền. Phải cầm chắc chén cơm trong tay cái đã rồi mới tính chuyện khác sau, và khi cầm chắc được rồi thì dù có bị trời đánh cũng quyết chẳng chịu buông chén cơm đó ra nữa. Nuôi dạy con, ta luôn hết lòng chăm lo cho chúng ăn học "thành tài", tức là có bằng cấp, đặng rồi lớn lên đi làm thuê cho các xì-thẩu Ba Tàu, boss Mỹ sếp Tây, có đồng lương ổn định, vậy là đủ vênh váo tự hào với đời.

Khát vọng làm giàu của người Việt luôn thể hiện cách nghiêm túc, chân thành và dễ thương, ấy là mơ bỗng nhiên đào được hũ vàng, trúng 80 tờ độc đắc; khát vọng ấy cháy bỏng đến nỗi thậm chí con người ta cả đời không từng đào tìm hoặc mua vé số vẫn tin chắc vận may sẽ tự đâm sầm vào mình.

Trong phòng riêng an toàn thì người Việt rất hứng lên mạng tung hoành, chửi chế độ leo lẻo như một anh hùng từ trong trứng; luôn miệng cổ vũ dân chủ-bình đẵng-bác ái nhưng hễ ai động đến hoặc nói trái ý mình là lồng lộn lên như nước sôi đổ háng, nhiệt tình chửi bới miệt thị phỉ báng đối phương là cộng sản, phản động, dư luận viên, tình báo Hoa Nam. Nhờ vậy, có nhiều Facebooker Anamít đã thành danh uy trấn giang hồ nhờ thủ pháp lớn tiếng rộng họng này.

Ra sinh sống lập nghiệp ở nước ngoài, cộng đồng Việt Nam lại càng nức tiếng là "cộng đồng" thông minh đến mức tráo trở, đoàn kết để tàn hại nhau te tua tơi tả, tìm đủ chiến thuật cạnh tranh từ hạ giá, nói xấu đến méc cảnh sát để tru diệt nhau lụn bại mới cam tâm. So sánh lại thì cộng đồng người Hoa lại là cộng đồng ti tiện tiểu nhơn tàn ác nhất địa cầu, chúng bòn hút máu mủ người bản địa để chuyên tâm làm giàu cho mình, thật đáng lên án và khinh bỉ.

Sau đây, xin điểm mặt những gương mặt đen nổi cộm từng bóc lột bòn vét tiền của ở Việt Nam. May thay, giờ đây chúng đã vắng bóng trên giải đất hình chữ S thiêng liêng, nên đất nước ta đã vươn mình, trở nên một siêu quốc gia về chuyên môn cầm nón lá đi vay khắp nơi, hơn 40 năm lập quốc vẫn đàng hoàng ở mốc bắt đầu khởi nghiệp đầy vinh quang. Vẻ vang thay cho một giống nòi có 4.000 năm văn hiến vẫn chuyên nghiệp ăn đong làm mướn; nhục nhã thay cho bọn Ba Tàu xảo trá bất lương làm giàu trên xương máu đồng bào ta!

* * *

Rất hiếm người Tàu làm giàu được trên đất Bắc, xứ ấy từ lâu đã có truyền thống xã hội chủ nghĩa nên chẳng thứ làm giàu bất chính nghịch tặc nào trồi lên được, nên đây chỉ điểm mặt Ba Tàu tài phiệt miền Nam.

Đầu tiên phải kể "Tứ trụ miền Nam", đó là: Nhất Hỏa, nhì Đàm, tam Xường, tứ Ích.

NHẤT HỎA

Hứa Bồn Hoa, tục danh "chú Hỏa", là người giàu có nhất miền Nam thời Pháp thuộc. Danh vọng vang lừng, địa vị cao quý, nhưng chú Hỏa lại mỵ dân, nên không muốn ai gọi mình bằng "ông", thành thử mọi người đều dùng tục danh tự thuở hàn vi là "chú Hỏa" để gọi y. Hui Bon Hoa là tên ký âm Pháp ngữ của chú Hỏa.

Chú Hỏa là một huyền thoại về người Hoa tại Việt Nam, đến nay vẫn còn nhiều người nhắc đến. Huyền thoại về chú Hỏa tiêu biểu cho đức tính, khả năng và đời sống của người Hoa sinh sống ở miền Nam vào đầu thế kỷ 20. Tiếng đồn rằng thuở hàn vi, Chú Hỏa làm việc khổ cực, có lúc phải lượm ve chai, làm hầu bàn. Nhưng với ý chí muốn thành đạt, y đã dành dụm và gây dựng lần hồi cơ sở làm ăn. Với số tiền dành dụm đó y cho thân hữu vay lấy lãi để tăng thêm nguồn vốn, mở rộng cơ sở ngày thêm phát đạt.

Khi cơ sở phát triển mạnh, Hứa Bồn Hoa hùn vốn với một người Pháp mở tiệm cầm đồ khắp Nam kỳ. Người Pháp đó chẳng may bị chết trong một tai nạn, không người kế nghiệp. Vợ con người này bên Pháp đã từ chối qua Việt Nam kế tục công việc của cha ông. Chú Hỏa mua lại phần hùn và toàn bộ tài sản của Pháp kiều này, và để lại cho con cháu của Pháp kiều (vẫn ở bên Pháp) quyền sở hữu vĩnh viễn một số bất động sản ở Lục tỉnh.

Khác với những người Hoa khác, chú Hỏa muốn xây dựng nhà ở tại ngay trung tâm Sài Gòn, cạnh những cơ quan hành chánh của Pháp như một hình thức biết ơn và tin tưởng. Cả gia đình chú Hỏa đều mang quốc tịch Pháp.

Năm 1936, bọn người Tàu tổng cộng sở hữu được 46.000ha ruộng đất ở Nam kỳ, thì riêng chú Hỏa đã làm chủ hơn một nửa số đó. Cho đến 1975, dòng họ Hứa làm chủ những bất động sản to lớn: các phố xá chính ở Sài Gòn, nhất là khu Chợ Bến Thành, Chợ Cầu Ông Lãnh và Chợ Cầu Muối, tức gần như toàn bộ Quận Hai (cũ, nay được sáp nhập vào Quận Một) đều là của Chú Hỏa. Công ty họ Hứa quản trị bất động sản rất có tình có lý và xảo quyệt khôn lường, ai không trả nổi tiền nhà thì cho khất kỳ sau, và không ai biết được giá mướn của nhau là bao nhiêu.

Khi trở nên giàu có, chú Hỏa làm nhiều việc từ thiện giả dối cứu giúp người nghèo, như nuôi cơm những kẻ vô gia cư, xây cất cô nhi viện, bệnh viện... Chú Hỏa còn xúi giục các bang trưởng, chủ nhà máy xay gạo, lò gạch, tiệm buôn lớn người Tàu khác thể hiện cụ thể lòng biết ơn của mình đối với đất nước đã dung chứa mình trong lúc gian truân, hoạn nạn, mất quê hương. Chú Hỏa là một trong những người Hoa đã giúp ích rất nhiều cho sự phát triển kinh tế miền Nam bằng cách cộng tác với thực dân Pháp tàn bạo.

Nhà riêng của chú Hỏa nguy nga, đồ sộ, chiếm khu vực rộng lớn gần 2ha ở Quận Nhất, gồm tứ giác Phó Đức Chính, Nguyễn Công Trứ, Hồ Văn Ngà và Calmette. Sau 1975, đó chỉ còn là lâu đài bỏ hoang, con cháu ít khi lui tới, và hiện nay được nhà nước ta trưng dụng, ủa quản lý. Năm 1980, ngôi nhà này được cải biến thành Cung Thiếu nhi quận Một, năm 1982 là Câu lạc bộ Văn hóa Quận Một.

Ác giả ác báo, nên con cháu Chú Hỏa chẳng còn mống nào được vinh dự mang quốc tịch Việt Nam, toàn bộ dòng dõi của y đều thành bác sĩ kỹ sư ở Pháp, Mỹ, Canada, cho đáng đời một gã Tàu thâm độc tàn hại dân lành Annam ta!

NHÌ ĐÀM 

Quách Đàm là di dân nhà Thanh đến Việt Nam lập nghiệp. Thuở hàn vi Quách Đàm mua bán ve chai, da trâu, vi cá và bong bóng cá. Ngày ngày, Quách Đàm dạo các hang cùng ngõ hẻm mua ve chai bất kể mưa nắng, đôi khi còn bị bọn côn đồ lấy hết tiền bạc. Nhờ thông minh và bản tính lanh lợi trí trá, Quách Đàm gia nhập ngành thương mãi, lập ra hãng buôn Thông Hiệp. Từ đó, y trở nên giàu có và gian manh cũng không ai sánh kịp. Thống đốc Nam Kỳ đương thời là de Cognac, một kẻ phách lối trịch thượng, cũng phải hạ mình kết thân với Quách Đàm để được nhờ vả.

Quách Đàm mua đất ruộng sình lầy tại Bình Tây, cất lên một phố chợ Quách Đàm (ngày nay người ta quen gọi Chợ Bình Tây). Chính phủ thuộc địa thời đó cho phép dân chúng tạc tượng Quách Đàm ở cửa chánh của chợ. Tượng Quách Đàm vận triều phục Mãn Thanh, tay cầm bản đồ, dưới bệ đá có giao long bằng đồng phun nước. Ngoài ra Quách Đàm còn có tham vọng dời Chợ Lớn về Bình Tây, nhưng mộng này không thành sau nhiều đợt vận động.

Tiếng đồn rằng Quách Đàm rất dị đoan, y luôn trách cứ ai đã bít con kinh trước nhà, làm lấp long mạch họ Quách, khiến nhà mình phải tiêu tan sản nghiệp. Trong những năm 1929-1930, y đứng ra bảo lãnh cho các con nợ của Ngân hàng Đông Dương vào đúng cơn khủng hoảng tài chánh toàn thế giới, ngân hàng không trả nổi, y bị sạt nghiệp luôn từ đó. Đám tang Quách Đàm rất lớn nhưng một thời gian sau, mộ phần bị bỏ bê và thành bãi đất hoang, hết đời một tài phiệt Tàu làm giàu trên đất Annam.

TAM XƯỜNG 

"Hộ Xường" là tục danh của Lý Tường Quan, tự là Phước Trai. Hồi đầu thế kỷ, Hộ Xường được xếp vào hạng thứ ba: "Nhất Sĩ (Lê Phát Đạt, người Cầu Kho, thuở nhỏ tên Sĩ, khi chết vì có xuất tiền xây một nhà thờ nên được chôn trong nhà thờ Chợ Đũi, tức nhà thờ Huyện Sĩ); nhì Phương (Đỗ Hữu Phương, Chợ Lớn, sự nghiệp đồ sộ nhất nhì miền Nam, phần lớn do phu nhân họ Trần gây dựng); tam Xường (lãnh thầu cung cấp thức ăn cho thị xã, nhờ khéo tay rồi gặp thời đã trở nên giàu có); tứ Định (họ Trần, làm hộ trưởng tại Chợ Lớn, tục danh là Hộ Định).

Huyền thoại về sự giàu có của những nhân vật kể trên ngày nay đã bị sửa đổi nhiều, có người nói "Nhất Sĩ, nhì Phương, Tam Xường, tứ Định", nhưng cũng người nói "nhất Hỏa, nhì Đàm, tam Xường, tứ Ích”.

Triệu Tường (theo lối phát âm Trung Hoa, Tường đọc là "Xường"), là một người Hoa nổi tiếng, làm chủ sòng bài lớn nhất Đông Nam Á thời đó: Đại Thế Giới. Người ta đồn rằng, trong thời gian từ 1945-1950, mỗi ngày Triệu Tường phải trả cho chính quyền thực dân tại Sài Gòn một triệu đồng bạc Đông Dương tiền thuế. Y đã cho xây bằng tiền riêng hàng ngàn căn nhà tại Sài Gòn-Chợ Lớn để cho dân nghèo thuê lại với giá rẻ. Triệu Tường là người thành lập ra khu chợ An Đông ngày nay. Thời đó "đại ca Bảy Viễn" là một trong những đàn em thân tín của Triệu Tường lo việc bảo vệ an ninh sòng bạc. Khi Triệu Tường chết, Bảy Viễn vẫn tiếp tục kinh doanh khu Đại Thế Giới cho đến năm 1955.

TỨ ÍCH

Trần Ích (không rõ tiểu sử) là một trong bốn người được xếp hạng giàu có nhất miền Nam thời Pháp thuộc.

Ngoài ra, còn các bậc đại danh đỉnh đỉnh khác:

- Chú Hỷ: là tên gọi chủ hãng vận tải đường sông lớn nhất của người bản xứ so với các công ty vận tải của Pháp. Tên thật của Chú Hỷ là gì không ai rõ (sau này có người cho là Mã Hỷ?). Tiếng đồn rằng, mặc dầu về kỹ thuật và giờ giấc, đoàn tàu của Chú Hỷ thua xa tàu vận tải và chuyên chở của Pháp, nhưng Chú Hỷ đã cạnh tranh bằng cách bán giá vé rẻ hơn, cơm nước phục vụ dễ chịu, hành khách được tiếp đãi ân cần. Dân chúng miền Nam ngu dốt nên rất thích đi tàu của hãng Chú Hỷ. Thời đó dân chúng có câu: "Đi tàu Chú Hỷ, ở nhà Chú Hỏa".

- Nam Long: là tên nhà máy xay gạo rất lớn và tối tân do một người gốc Hoa làm chủ chuyên xay gạo để xuất cảng.

- Nam Hải: một thương gia giàu có nổi tiếng, có nhà rất lớn ở đường Nguyễn Văn Sâm (Quận Hai cũ hay Quận Một, phương 18 bây giờ).

- Di Sanh Long: chủ nhiều tiệm thuốc bắc lớn hiệu Bướm Vàng, Ông Tiên.

- Lâm Thọ Vinh: chủ hãng dầu Nhị Thiên Đường, một loại dầu trị bá chứng (đau bụng, nhức đầu,say sóng, buồn nôn và nhất là được dùng để cạo gió) rất được dân chúng miền Nam ưa chuộng.

- Dầu cù là Macphsu do một người Hoa tên Mạc Phúc Sử làm chủ. Macphsu là tên ký âm bằng Pháp ngữ khi Mạc Phú Sử ra cầu chứng tại tòa. Vì không biết tiếng Pháp nên khi được hỏi dầu cù là cầu chứng lấy tên gì, y tưởng nhân viên tòa hỏi tên mình, bèn nói "Mạc Phúc Sử", và được người Pháp viết theo phiên âm Pháp ngữ là "Macphsu". Sản lượng và tiếng tăm dầu cù là Macphsu rất lớn, ngoài thị trường miền Nam, Mạc Phúc Sử còn xuất cảng sang Lào, Cambodge, Singapore và Thái Lan.

- Trương Văn Bền, là con cháu của một gia đình người Hoa gốc Triều Châu đến Việt Nam lập nghiệp hồi đầu thế kỷ. Trương Văn Bền sang Pháp du học và đã học được nghề sản xuất xà bông. Về nước, y thành lập một xưởng sản xuất nhỏ tại Gia Định, chuyên sản xuất xà bông cục cho nhu cầu rửa ráy, giặt giũ của dân chúng hằng ngày. Khi cơ sở phát triển, y xây xưởng lớn và lấy tên là Hãng xà bông Cô Ba. Trương Văn Bền độc quyền phân phối xà bông cục khắp thị trường Đông Dương.

- Đồng Thạnh, làm chủ nhiều tiệm vàng lớn có tiếng. Vàng lá hiệu Kim Mã đầu tiên do Đồng Thạnh làm ra, đây là một loại vàng y 24karat, cán thành từng lá mỏng, gồm ba lá có khắc chữ Tàu, cân nặng 1 lượng (34,7g), ngoài gói giấy trắng, trong gói một lớp giấy bạc và một loại giấy đỏ có in hình con ngựa. Sau này nhiều tiệm kim hoàn khác bắt chước theo đó sản xuất loại vàng lá hiệu Kim Thành gồm hai lá rưởi (có hình trái núi ở đầu lá vàng hay nhiều sọc theo chiều dọc), vẫn còn thông dụng đến

- Tạ Má Dảnh: một người rất giàu có ở Chợ Lớn. Chủ nhiều nhà máy xay gạo và phương tiện chuyên chở lúa gạo tại miền Nam.

THỜI VIỆT NAM CỘNG HÒA

Thời này có các đại gia thứ thiệt sau:

- Trần Thành, "Vua Chợ Lớn", bang trưởng Triều Châu khu vực Chợ Lớn. Lúc đầu, y chỉ làm "vua cung cấp mễ cốc" (đậu phọng, đậu nành). Năm 1960, nổi tiếng là "Vua bột ngọt", chủ hãng bột ngọt và mì ăn liền Vị Hương Tố, với loại mì gói hiệu Hai Con Tôm. Về sau, Trần Thành tiếp tục đầu tư thêm vào nhiều ngành nghề khác như: ngũ cốc, khách sạn, nhà hàng. Xuất thân là một công nhận cạo rửa các nồi ép dầu, sau nhờ sự cần cù, lòng ngay thẳng gian manh, nên y đã trở nên giàu có. Dưới sự quản trị của y, công nhân và nhân viên Annam đần độn hết lòng yêu mến và xem y như cha, anh ruột của mình. Trần Thành khi giàu có đã bỏ tiền xây cất nhiều trường học, bệnh viện và trạm y tế trong các xóm lao động cho dân nghèo.Vào 1956-1957, Trần Thành thay mặt cộng đồng người Hoa miền Nam thương thảo tay đôi với cố vấn Ngô Đình Nhu về các vấn đề quốc tịch và quyền kinh doanh.

- Lý Long Thân, chủ 11 ngành sản xuất và dịch vụ, 23 hãng xưởng lớn: hãng dệt Vinatexco, Vimytex, hãng nhuộm Vinatefinco, hãng cán sắt Vicasa, hãng dầu ăn Nakyco, hãng bánh ngọt Lubico, Ngân hàng Nam Việt, Ngân hàng Trung Nam, Khách sạn Arc en Ciel, Hãng tàu Rạng Đông v.v...

- Lâm Huê Hồ, được nhiều người gọi là "Chủ nợ của các ông chủ". Lâm Huê Hồ là người giữ nhiều tiền mặt nhất miền Nam thời đó, số tiền y có trong tay bằng vốn của nhiều ngân hàng tư nhân cỡ nhỏ (như Nam Đô, Trung Việt...) gộp lại. Lâm Huê Hồ còn nổi tiếng là "Vua phế liệu", chuyên thầu quân cụ và võ khí phế thải rồi bán lại cho những doanh nhân trong ngành luyện cán sắt, hay bán lại cho Nhật Bản. Người ta thường nói "Trần Thành, Lý Long Thân có tiếng, Lâm Huê Hồ có miếng".

- Mã Hí, nổi tiếng là "Vua lúa gạo", nắm trong tay mạng lưới thu mua và phân phối lúa gạo lớn nhất miền Tây và miền Trung. Mã Hí làm chủ các kho hàng rộng lớn nằm rải rác ở các bến cảng dọc sông Sài Gòn thuộc địa phận các Quận 6, 8 Sài Gòn. Y là chủ thầu cung cấp gạo cho Tổng cục Tiếp tế và Quân tiếp vụ Việt Nam Cộng Hòa.

- Lại Kim Dung, "Nữ hoàng gạo" miền Nam. Giá gạo tại miền Nam là do công ty bà Kim Dung ấn định. Chính quyền miền Nam có lúc phải hợp tác với "nữ hoàng" để ổn định giá gạo trên thị trường. Trong các buổi tiếp tân lớn không mang tính chính trị, bà Kim Dung luôn xuất hiện bên cạnh các phu nhân tổng thống, thủ tướng hay các tướng lãnh chỉ huy các vùng chiến thuật.

- Vương Đạo Nghĩa, chủ hãng kem Hynos, là một người có óc làm ăn cấp tiến kiểu Tây phương. Y là người đầu tiên có sáng kiến quảng cáo trên các cửa hàng ăn uống, chợ búa, hệ thống truyền thanh và truyền hình. Cũng là người đầu tiên biết vận dụng phim võ hiệp và tình báo kiểu Trung Hoa vào quảng cáo. Người dân miền Nam không thể quên hình ảnh tài tử Vương Vũ giải thoát các xe hàng do đoàn bảo tiêu hộ tống thoát khỏi quân cướp, hay anh Bảy Chà cười toe với hàm răng trắng sáng chói có mặt khắp nơi trên các đường phố, ngõ hẻm. Sản phẩm của hãng kem đánh răng Hynos có mặt khắp Việt Nam, Kampuchea, Lào, Singapore, Thái Lan, Hồng Kông.

- Trương Vĩ Nhiên,"Vua ciné", là chủ hãng phim Viễn Đông và gần 20 rạp ciné đầy đủ tiện nghi tại Sài Gòn-Chợ Lớn: Eden, Đại Nam, Opéra, Oscar, Lệ Thanh, Hoàng Cung, Đại Quang, Palace, Thủ Đô... Năm 1966, Trương Vĩ Nhiên nhập cảng các loại phim võ hiệp Hồng Kông và Đài Loan, sau là phim tình cảm phỏng theo các truyện của các tác giả nổi tiếng như Kim Dung, Ngọa Long tiên sinh, Quỳnh Dao... rất được thanh niên miền Nam ưa chuộng. Trương Vĩ Nhiên làm đại lý độc quyền cho Tân Kiệt Y Oan tại Việt Nam về phát hành phim của các hãng Shaw Brothers (Đài Loan) và Golden Harvest (Hồng Kông).

- Trương Đông Lương, còn gọi là "Vua sắt", độc quyền cung cấp tôn sắt cán mỏng cho các nhà sản xuất lớn nhỏ tại quận 11 và trên toàn quốc để làm các thùng chứa bằng kim khí và hàng gia dụng.

- Trương Văn Khôi, chủ hãng bột giặt Viso, là người có óc tổ chức và biết canh tân kỹ thuật để cạnh tranh với hàng ngoại quốc. Phẩm chất bột giặt Viso tốt ngang với sản phẩm Tây phương, chiếm lĩnh các thị trường nội địa, Singapore, Thái Lan, Lào và Kampuchea.

- Lưu Kiệt và Lưu Trung, "Vua nông cụ", chủ hãng nông cơ Vikyno, là đại diện độc quyền hiệu máy cày John Deer của Mỹ, máy tàu và máy đuôi tôm hiệu Yanmar của Nhật cho toàn miền Nam.

- Lý Hoa, "Vua xăng dầu", là đại diện độc quyền các hãng Esso, Caltex, Shell phân phối nhiên liệu cho thị trường nội địa. Lý Hoa làm chủ nhiều bồn xăng dầu lớn tại Nhà Bè.

- Lý Sen, "Vua cán sắt", là chủ nhân hãng Sadakimco, chuyên sản xuất và cung cấp tôn nhôm, sắt cho thị trường miền Nam.

- Trần Thoại Hà, người Triều Châu, là "Vua trà", chuyên sản xuất các loại trà lá cao cấp ướp lài, ướp sen trong hộp hay bao bì bọc giấy kiếng để làm quà biếu trong các dịp lễ lạc.

- Đào Mậu, "Vua ngân hàng", là bang trưởng bang Triều Châu khu vực Sài Gòn. Y là tổng giám đốc Trung Hoa Ngân hàng, một trong hai ngân hàng châu Á lớn nhất Sài Gòn (cùng với Thượng Hải Ngân hàng).

- Tăng Tài, "Vua vận tải đường sông", là chủ nhân hàng chục xà-lan, tàu kéo, hàng trăm ghe bầu loại lớn chuyên chở lúa gạo, nông sản thực phẩm và hành khách từ Lục Tỉnh về Sài Gòn-Chợ Lớn hay ngược lại.

- La Thành Nghệ, "Vua thuốc đỏ", là chủ nhân viện bào chế La Thành tại Sài Gòn. La Thành Nghệ làm đại lý độc quyền nhập cảng và phân phối thuốc đỏ cho toàn miền Nam. Y được bầu làm thượng nghị sĩ năm 1967 trong liên danh Bạch Tượng của dược sư Trần Văn Lắm (sau này làm chủ tịch Ủy ban Ngoại giao, Chủ tịch Thượng viện, Tổng trưởng Ngoại giao). Có lúc y còn được bầu làm Chủ tịch Hồng thập tự Việt Nam và là hội viên Hội từ thiện Quốc tế.

- Gia đình họ Ông, chủ hiệu dầu cù là Con Cọp: có mặt trong hầu hết các ngành kinh thương lớn tại miền Nam, nhiều người gọi đùa là "Những con cọp Sài Gòn". Ngoài ra, còn phải kể đến những gia đình tỷ phú họ Mã, họ Tạ, họ Trương (Trương Vĩ Hùng, Trương Vĩ Trí), họ Trịnh (Trịnh Đức)...

- Tạ Vinh là một thương gia người Hoa, gốc Phúc Kiến. Năm 1964, Tạ Vinh bị Ủy ban Hành pháp Trung ương, do Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ lãnh đạo, xử bắn tại pháp trường cát trước chợ Bến Thành Sài Gòn về tội "gian thương, đầu cơ tích trữ gạo, gây xáo trộn thị trường". Dân chúng và báo chí gọi Tạ Vinh là "hạm gạo". Nguyễn Cao Kỳ muốn cảnh cáo giới tài phiệt gốc Hoa không nên quá lạm dụng tình trạng chiến tranh làm giàu phi pháp, ông đã tổ chức một cuộc họp kín gồm đủ thành phần tài phiệt lớn (đại xì thẩu) tại Sài Gòn-Chợ Lớn để cảnh cáo. Hội đồng Quân nhân Cách mạng quyết định thi hành một bản án tử hình để làm gương, người lãnh án sẽ là một trong những tài phiệt đang có mặt trong phòng họp qua một cuộc rút thăm. Tạ Vinh rút trúng thăm mang chữ "tử" nên sau đó bị truy tố và đem xử bắn. Sau vụ này, pháp trường cát đi vào quên lãng, những "hạm" khác vẫn sống nhởn nhơ vì biết chia đều cho các viên chức cao cấp tham nhũng khác trong chính quyền. Danh từ "hạm" từ đó mang một nghĩa xấu, ý muốn nói đó là những gian thương tham lam - bao nhiêu tiền của cũng không đủ chứa lòng tham vô đáy, có sức chứa như một chiến hạm - không đếm xỉa gì đến sự nghèo khó chung của dân chúng.

Thật ra Tạ Vinh là một "hạm" sắt, chuyên thầu sắt phế thải của quân đội. Thời đó báo chí loan tin đồn người bị bắn đó không phải là Tạ Vinh. Tạ Vinh thật đã được lo lót để trốn ra ngoại quốc, một tù nhân nào đó đã được tráo để chết thay cho Tạ Vinh. Lúc bị dẫn từ trại giam Chí Hòa ra pháp trường, Tạ Vinh mặc bộ vét màu xám và không chịu cởi ra, khi xe bít bùng chở tới pháp trường thì người bị xử bắn mặc bộ đồ trắng, đầu bịt khăn đen che hết mặt mũi. Xác chết được chôn cất ngay sau đó.

- Ngoài ra, còn những thương hiệu sản phẩm do người Tàu làm chủ được nhiều người biết đến như: pin Con Ó, giày Bata, Sakybomi, kem Perlon, kem Leyna, gạch men Thiên Thanh, Thanh Thanh, da Bình Lợi v.v...

* * *

Sau 1975, quân ta tiến vào "giải phóng miền Nam" thì toàn bộ bọn tài phiệt Ba Tàu đều bỏ của chạy lấy người, và kinh tế miền nam từ đó tha hồ phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, người miền Nam nhờ vậy mới biết bo-bo cũng có thể dùng làm thức ăn cho con người.


(Phần lớn tài liệu trong bài là theo Nguyễn Văn Huy - "Người Hoa ở Việt Nam")

Tham khảo thêm:

No comments:
Write comments

Connect me on twitter. You'll get more udpates - https://twitter.com/ngovantrong
Join Our Newsletter