Muốn tồn tại và phát triển mỗi tổ chức đều phải xây dựng cho mình mục tiêu mà mình muốn vươn tới cũng như con đường riêng để đi đến mục tiêu đó như thế nào, và từ đó hình thành nên hệ thống chiến lược của tổ chức.
Bài viết này không có tham vọng nói về toàn bộ việc xây dựng và quản trị chiến lược mà chỉ chia sẻ quan điểm chung về cách hiểu: Tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị cốt lõi của 1 tổ chức như doanh nghiệp.
Hệ thống chiến lược trong doanh nghiệp có thể mô tả theo sơ đồ dưới đây:
1. Tầm nhìn (Vision):Là một hình ảnh, tiêu chuẩn, hình tượng độc đáo và lý tưởng trong tương lai, là những điều doanh nghiệp muốn đạt tới hoặc trở thành.
Người lãnh đạo phải đặt câu hỏi ví như 5 năm nữa, 10 năm nữa… chúng ta muốn, chúng ta sẽ dẫn dắt tổ chức của chúng ta tới đâu? Tới bến bờ nào?
2. Sứ mệnh (Mission):Là lý do để tổ chức tồn tại. Các tổ chức thường thể hiện sứ mệnh của mình bằng một "tuyên bố sứ mệnh” xúc tích, ngắn gọn, giải thích tổ chức đó tồn tại để làm gì và sẽ làm gì để tồn tại.
Tuyên bố sứ mệnh của tổ chức cần đưa ra thông tin để trả lời 3 câu hỏi sau:
2.1.Mục tiêu của tổ chức là gì?
2.2.Tổ chức sẽ làm gì và phục vụ ai ( lĩnh vực hoạt động, khách hàng) ?
2.3.Những nguyên tắc và giá trị nào là kim chỉ nam cho các hoạt động của tổ chức?
Một bản tuyên bố sứ mệnh có hiệu quả thường phải đáp ứng các tiêu chí sau:
Rõ ràng, dễ hiểu. Ngắn gọn và cô đọng;
Chỉ ra được tại sao ta làm việc đó và lý do tồn tại của tổ chức là gì?
Phải đưa ra được định hướng cho các hoạt động thích hợp và không quá hẹp;
Phải thể hiện được các cơ hội và chỉ ra được cái mà xã hội nhớ đến chúng ta;
Phù hợp với các khả năng riêng có của ta;
Phải thấy được cam kết của chúng ta.
Những sai lầm thường gặp với sứ mệnh của tổ chức:
Không có tuyên bố sứ mệnh;
Đồng nhất chức năng nhiệm vụ với sứ mệnh;
Các mục tiêu nhiệm vụ mâu thuẫn với sứ mệnh hoặc đi chệch hướng đề ra trong sứ mệnh;
Sứ mệnh không được mọi người hiểu và ủng hộ;
Sứ mệnh không được rõ ràng hoặc không được truyền đạt rõ ràng tới cá nhân trong tổ chức, không thể hiện rõ phương hướng hoạt động của tổ chức;
3.Các giá trị cốt lõi (Core Values):Là các nguyên tắc, nguyên lý nền tảng và bền vững của tổ chức.Những nguyên tắc này:
Có những nguyên tắc tồn tại không phụ thuộc vào thời gian.
Tự thân, không cần sự biện hộ bên ngoài,
Có giá trị và tầm quan trọng với bên trong tổ chức.
Giá trị cốt lõi qua việc sàng lọc tính chân thực, có thể nhận diện nhờ xác định giá trị nào thực sự là trung tâm và mặt khác phải bền vững trước kiểm định của thời gian.
Một công ty lớn cần xác định cho chính mình những giá trị được giữ làm cốt lõi, độc lập với môi trường hiện tại, với yêu cầu cạnh tranh và cách thức quản trị.
Như vậy việc xác định tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị cốt lõi là sự tuyên bố chiến lược của tổ chức, là một sự trăn trở để thiết kế, xây dựng chứ không phải chỉ là câu chữ đơn thuần, chỉ để phát biểu cho hay.
Theo p5media.vn
No comments:
Write comments